Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ vừa thông báo khởi động chương trình “Nâng cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy xuất khẩu” (TIES) trị giá 6 tỷ Rupi (khoảng 93 triệu USD), phát biểu tại buổi lễ Bà Nirmala Sitharaman – Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp cho biết “Cơ chế TIES sẽ được tập trung vào đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các nhà xuất khẩu”.
Bà Sitharaman cho biết thêm, việc này không chỉ tạo cơ sở hạ tầng cho xuất khẩu mà còn bảo đảm cho việc vận hành một cách chuyên nghiệp và ổn định. Dự kiến sẽ có một ủy ban được trao quyền định kỳ xem xét tiến trình của dự án khi đã được phê duyệt và tiến hành những bước cần thiết để đảm bảo đạt được các mục tiêu của cơ chế.
Dự án nào được cấp vốn sẽ do Ủy ban liên Bộ do Thứ trưởng Thương mại đứng đầu lựa chọn và xem xét trên cơ sở đáng giá các tình hình thực tế như lợi ích của dự án nhằm tháo gỡ nút thắt cổ chai cho xuất khẩu.
Phát biểu tại sự kiện, Bà Rita Teaotia Thứ trưởng Thương mại cho biết, cơ chế này sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng mới và nâng cấp các dự án cơ sở hạ tầng hiện tại có khả năng kết nối xuất khẩu lớn như kết nối biên giới, các trạm hải quan, trung tâm giám định và cấp giấy chứng nhận chất lượng, hệ thống kho lạnh, các trung tâm xúc tiến thương mại, các cảng hàng khô, kho chứa hàng và đóng gói xuất khẩu, các khu kinh tế đặc biệt và các cảng biển, cảng hàng không, các dự án kết nối đầu – cuối, dịch vụ giao nhận, vận chuyển (Logistics).
Trước đây, trong năm 2015, Chính phủ Ấn Độ đã có chương trình tương tự mang tên ASIDE, tuy nhiên, chương trình này không mang lại kết quả như kỳ vọng, Chính phủ các bang đã yêu cầu sự hỗ trợ của Trung ương về việc xây dựng cơ cở hạ tầng cho xuất khẩu (TIES). Sự hỗ trợ này là cấp bách để có thể thực hiện phân luồng tài chính từ nguồn để lại ở các bang nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho xuất khẩu. Mục tiêu của cơ chế là nhằm tăng cường sức cạnh tranh của xuất khẩu bằng việc nối liền các nốt đứt trong hạ tầng của xuất khẩu, tạo nên một cơ sở hạ tầng xuất khẩu có trọng điểm, môt sự kết nối hoàn chỉnh cho các dự án có hướng xuất khẩu và đưa ra các biện pháp về chất lượng và cấp chứng nhận chất lượng.
Các cơ quan trung ương và các bang bao gồm các Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu, các Ban hàng hóa, Cơ quan Quản lý các khu kinh tế đặc biệt và các Cơ quan Thương mại Trung ương do chính sách xuất nhập khẩu của Chính phủ Ấn Độ quy định, có trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho dự án.
Việc cung cấp tài chính của Chính phủ Trung ương sẽ được thực hiện dưới hình hỗ trợ không hoàn lại, thông thường không nhiều hơn phần vốn do cơ quan thực thi cấp hoặc không được nhiều hơn 50% tổng vốn của dự án. Trong trường hợp các dự án nằm ở các bang vùng Đông Bắc và các bang vùng Himalaya bao gồm Jammu & Kashmir, có thể hỗ trợ lên đến 80% tổng vốn của dự án. Tổng vốn hỗ trợ sẽ không vượt quá 200 triệu Rupi (khoảng 3 triệu USD) cho một dự án.
Các cơ quan thực thi phải cung cấp các chi tiết về các thời điểm cấp vốn cho dự án. Đây là những vấn đề cần được xem xét trước khi phê duyệt dự án. Việc giải ngân sẽ được tiến hành sau khi có được các kết luận về vấn đề tài chính.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương