Cụm cảng Cái Mép có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2016, đạt mức 35.3% trong top 100 cảng container.
Ngày 27/3, theo Tạp chí Hàng hải Alphaliner (phát hành số 12), cụm cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2016, đạt mức 35.3%. Xếp ở vị trí thứ 2 về tốc độ tăng trưởng là cảng Salalah của Oman (29.4%), thứ ba là cảng Bandar Abbas ở Iran (23.6%) và thứ tư là cảng Mundra ở Ấn Độ (18.7%). |
Để đạt được sự tăng trưởng ấn tượng như trên không thể không kể đến 5 yếu tố. Cụ thể, tốc độ chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng xuất nhập khẩu bằng tàu gom hàng feeder cập các cảng tại TP.HCM sang vận chuyển bằng tàu mẹ trực tiếp ghé Cái Mép diễn ra nhanh chóng. Với 10 tuyến tàu mẹ đi Mỹ hàng tuần tại Cái Mép như hiện nay, về cơ bản, toàn bộ hàng xuất khẩu đi Mỹ và một phần lớn hàng xuất khẩu đi châu Âu từ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đã dùng Cái Mép để xếp dỡ hàng trực tiếp lên xuống tàu mẹ.
Cái Mép đã làm tốt vai trò cảng cửa ngõ của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam – khu vực được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, chỉ sau Malaysia. Hàng xuất khẩu của Việt Nam đang được kết nối một cách tốt nhất ra nước ngoài, hơn hẳn hàng hoá của Thái Lan, Indonesia, Phi-líp-pin.
Các cảng tại khu vực Cái Mép đang chứng minh được lợi thế của mình cả về vị trí địa lý, năng suất làm hàng cao, chất lượng dịch vụ tốt, cảng được trang bị hiện đại và không ngừng nghiên cứu để phát triển thêm các dịch vụ gia tăng giá trị cho khách hàng. Từ đó, các hãng tàu quốc tế ngày càng tin tưởng hơn khi đưa tàu mẹ vào khai thác tại Cái Mép.
Kích cỡ tàu cập Cái Mép ngày càng gia tăng theo xu hướng chung của ngành hàng hải thế giới. Các tàu trên 14,000 TEU được đưa vào khai thác hàng tuần, điển hình là tàu kích cỡ đến 200,000DWT sức chở 18,300 TEU cũng cập thử nghiệm thành công vào cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) tháng 2 vừa qua đã đặt ra thách thức rất lớn về yêu cầu độ sâu luồng vào cảng.
Bộ GTVT đã không ngừng nỗ lực trong công tác phân bổ ngân sách phù hợp để duy tu nạo vét luồng ở mức tối thiểu -14m, tạo điều kiện để Cái Mép có thể tiếp tục đón nhận cơ hội phát triển. Hơn nữa, năng lực phối hợp giữa các cơ quan chức năng và giữa các bên liên quan chính là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để Cái Mép có được sự tăng trưởng như hiện nay.
Cùng với đó, một yếu tố khác chính là sự phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các chính sách thu hút đầu tư bắt đầu phát huy hiệu quả khi dịch vụ logistics và nguồn hàng xuất nhập khẩu trong tỉnh tăng đã góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Cái Mép trong thời gian qua.
Ngoài ra, cũng nhờ sự quan tâm và các chính sách của Chính Phủ, Bộ GTVT như: chính sách giá tối thiểu, các ưu đãi về phí, lệ phí hàng hải, phân bổ ngân sách duy tu nạo vét luồng, đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối với cảng biển… đã phát huy tác dụng và lan toả, tăng tính hấp dẫn của Cái Mép và góp phần đưa Cái Mép hiện diện trên bản đồ hàng hải thế giới.
Mai Huyên – Báo giao thông.