Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải – Những Kiến Thức Cần Biết (P1)

Bảo hiểm hàng hóa vận tải là một vấn đề sống còn cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Rủi ro đôi khi là điều ngẫu nhiên xảy ra và cũng có thể do chính chúng ta tạo ra trong suốt quá trình vận tải hàng hóa (ở đây chung ta chỉ bàn đến vận tải biển là chủ yếu). Vậy khi rủi ro xảy ra, gây tổn thất cho hàng hóa, chúng ta sẽ phải làm gì? Có cách nào đó để phòng tránh hay làm giảm mức độ thiệt hại khi hàng hóa xuất nhập khẩu của chúng ta gặp phải? Bảo hiểm hàng hóa chính là giải pháp tối ưu cho việc hạn chế cũng như ngăn ngừa tổn thất xảy ra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải - Những Kiến Thức Cần Biết (P1)

Bảo hiểm là gì?

Bảo hiểm là một chế độ cam kết và bồi thường, theo đó người bảo hiểm sẽ bồi thường cho người được bảo hiểm những tổn thất, hư hỏng của đối tượng bảo hiểm do những rủi ro đã thỏa thuận gây ra, với điều kiện người được bảo hiểm đã thuê bảo hiểm cho đối tượng đó và trả cho người bảo hiểm một khoản tiền gọi là phí bảo hiểm.

Bản chất thật sự của bảo hiểm là gì?

Bản chất của bảo hiểm là sự phân chia rủi ro của một hay một số người cho tất cả những người tham gia bảo hiểm cùng gánh chịu. (vì trên thực tế, Bảo hiểm không thể ngăn rủi ro xảy ra)

Bảo hiểm có tác dụng gì không? (tác giả chỉ nêu 2 tác dụng chính của bảo hiểm)

  1. Bồi thường: Đây là tác dụng chính của bảo hiểm nhằm bù đắp về mặt tài chính để khắc phục hậu quả của rủi ro, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của bảo viên trước những hiểm họa ngẫu nhiên mà con người chưa thể chế ngự được.
  2. Đề phòng và hạn chế tổn thất: Bảo hiểm là một hoạt động kinh doanh. Muốn có hiệu quả cao, các công ty bảo hiểm phải luôn theo dõi, thống kê, phân tích tình hình tai nạn, tổn thất để từ đó đề ra các biện pháp đề phòng hạn chế tổn thất. Cụ thể là bảo hiểm quy định những qui tắc, bắt buộc người được bảo hiểm phải có những biện pháp hợp lý và cần thiết để ngăn ngừa và hạn chế tổn thất. Có như vậy thì tổn thất mới được bồi thường.

Bảo hiểm có những nguyên tắc gì cần phải nắm?

  1. Nguyên tắc quy luật số đông: Người bảo hiểm phải dựa trên đám đông đủ lớn các rủi ro đồng nhất nhằm phân tán và giảm thiểu rủi ro. Các rủi ro đồng nhất, có cùng bản chất phải gắn với cùng một đối tượng để đảm bảo cho việc bù trừ được thực hiện. Nguyên tắc này đồng nghĩa với việc lựa chọn các rủi ro bảo hiểm.
  2. Nguyên tắc phân tán rủi ro: Nguyên tắc này thể hiện ở hai mặt là phân tán về mặt thời gian và không gian và phân tán về mặt số lượng rủi ro để không có sự mất cân đối lớn giữa số lượng rủi ro và khối lượng tổn thất nhằm tránh tích tụ tổn thất lớn. (xảy ra cộng hưởng về rủi ro gây ra tổn thất cho các đối tượng bảo hiểm thì rất nguy hiểm)
  3. Nguyên tắc trung thực tối đa: Người bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm có trách nhiệm phải cung cấp cho nhau mọi thông tin có liên quan tới rủi ro một cách chính xác, kịp thời và đầy đủ nhằm tránh sự bất hợp lý có thể xảy ra đối với cả hai bên do sự phát sinh của các rủi ro mới. (mọi thông tin cần thiết về đối tượng bảo hiểm mà người được bảo hiểm không thông báo kịp thời cho người bảo hiểm thì mọi tổn thất do sự thiếu trung thực này là nguyên nhân dẫn đến tổn thất hay góp phần làm tổn thất cho đối tượng bảo hiểm thì người bảo hiểm sẽ không bồi thường)
  4. Nguyên tắc phân chia rủi ro: Đối với những rủi ro có giá trị quá lớn xảy ra, phí bảo hiểm thu được không đủ bù đắp. Vì vậy, người bảo hiểm chỉ chấp nhận một phần những rủi ro quan trọng bằng cách thực hiện kỹ thuật phân chia bao gồm đồng bảo hiểm và tái bảo hiểm.

Người bảo hiểm là ai?

Là người nhận trách nhiệm về những rủi ro, được hưởng phí bảo hiểm và phải bồi thường khi có tổn thất xảy ra. Người bảo hiểm có thể là công ty bảo hiểm (Insurance Company) hay người ký nhận cam kết bảo hiểm (Underwriter).

Người được bảo hiểm là ai?

Bên chịu rủi ro về tiền bạc một khi đối tượng bảo hiểm bị tổn thất gọi là “người được bảo hiểm”. Cần lưu ý rằng người đó phải có “quyền lợi có thể bảo hiểm” nằm trong đối tượng bảo hiểm vào thời điểm xảy ra tổn thất. Tuy nhiên, họ không nhất thiết phải có quyền lợi có thể bảo hiểm tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm, nhưng nhất thiết họ phải có dự tính hợp lý về việc tiếp nhận quyền lợi ấy.

Đối tượng bảo hiểm là gì?

Đối tượng bảo hiểm nói chung là một tài sản, một vật thể, một quyền lợi dễ gặp rủi ro. Đối tượng bảo hiểm trong hàng hải là bất kỳ quyền lợi vật chất nào liên quan đến các hoạt đông hàng hải mà có thể qui ra tiền bao gồm tàu biển, hàng hóa, tiền cước vận chuyển, tiền thuê mua tàu, tiền lãi ước tính của hàng hóa, các khoản hoa hồng, chi phí tổn thất chung, trách nhiệm dân sự và các khoản tiền được bảo đảm bằng tàu, hàng hóa hoặc tiền cước vận chuyển. Đối tượng bảo hiểm hàng hải còn có thể là tàu đang đóng.

Giá trị bảo hiểm của đối tượng bảo hiểm là như thế nào?

Giá trị bảo hiểm trong bảo hiểm tài sản là giá trị bằng tiền của tài sản. Giá trị đó thường được xác định bằng giá trị thực tế của tài sản (đối tượng bảo hiểm).

  1. Giá trị bảo hiểm của tàu là tổng giá trị con tàu vào thời điểm bắt đầu bảo hiểm. Giá trị này bao gồm giá trị của máy móc, trang thiết bị, phụ tùng dự trữ của tàu cộng với toàn bộ bảo hiểm phí. Tùy theo hợp đồng, giá trị tàu còn có thể bao gồm cả tiền lương ứng trước cho thuyền bộ và chi phí chuẩn bị chuyến đi.
  2. Giá trị bảo hiểm của hàng hóa là giá trị hàng ghi trên hóa đơn ở nơi bốc hàng hoặc giá thị trường ở nơi và vào thời điểm bốc hàng cộng phí bảo hiểm và có thể cả tiền lãi ước tính.
  3. Giá trị bảo hiểm của tiền cước vận chuyển là tổng số tiền cước vận chuyển cộng với phí bảo hiểm. Trong trường hợp người thuê vận chuyển mua bảo hiểm cho tiền cước vận chuyển thì số tiền cước này được tính gộp vào giá trị bảo hiểm của hàng hóa.
  4. Giá trị bảo hiểm của các đối tượng bảo hiểm khác (trừ trách nhiệm dân sự) là giá trị của đối tượng ở nơi và vào thời điểm bắt đầu bảo hiểm cộng với phí bảo hiểm.

Số tiền bảo hiểm của đối tượng bảo hiểm là gì? (đây chính là giới hạn bồi thường của người được bảo hiểm cho tổn thất xảy ra)

Số tiền bảo hiểm là khoản tiền nhất định ghi trong đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm để xác định giới hạn trách nhiệm của người bảo hiểm trong việc bồi thường. Số tiền bảo hiểm là mức tối đa mà người bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm và là cơ sở để tính phí bảo hiểm. Tùy theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm, có các dạng hợp đồng bảo hiểm sau đây:

  1. Bảo hiểm đúng giá trị (full insurance): khi số tiền bảo hiểm được ấn định bằng giá trị bảo hiểm thì gọi là bảo hiểm đúng giá trị.
  2. Bảo hiểm trên giá trị (over insurance): là dạng bảo hiểm mà số tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị bảo hiểm. Trong trường hợp này, người bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường cho phần vượt quá giá trị bảo hiểm. Trong bảo hiểm hàng hóa, số tiền bảo hiểm trội ra đó chỉ được chấp nhận khi nó là số lãi có thể có của việc kinh doanh buôn bán và không được lớn hơn 10% giá trị bảo hiểm.
  3. Bảo hiểm dưới giá trị (under insurance): trường hợp này, số tiền bảo hiểm ghi trong đơn bảo hiểm thấp hơn giá trị bảo hiểm và người bảo hiểm sẽ bồi thường tổn thất, kể cả các chi phí khác thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm, theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm và giá trị bảo hiểm (gọi là tỷ lệ bảo hiểm dưới giá).

Phí bảo hiểm là gì? (đây chính là doanh thu mà các công ty bảo hiểm nhận)

Phí bảo hiểm là một khoản tiền mà người được bảo hiểm phải đóng cho người bảo hiểm để được bồi thường khi có tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm xảy ra cho đối tượng bảo hiểm.

Bảo hiểm – tác dụng của mức miễn thường (MMT)

Là giá trị được biểu hiện bằng một số tiền cụ thể hay bằng số phần trăm của số tiền bảo hiểm mà nếu giá trị tổn thất nhỏ hơn mức này thì người bảo hiểm không bồi thường.

  1. Miễn thường có khấu trừ: khi giá trị tổn thất lớn hơn mức miễn thường thì bảo hiểm chỉ bồi thường cho phần vượt quá mức miễn thường mà thôi.
  2. Miễn thường không khấu trừ: khi tổn thất lớn hơn mức miễn thường thì bảo hiểm sẽ bồi thường 100% giá trị tổn thất.

Ý nghĩa của mức miễn thường:

  • Giảm bớt công việc xử lý và giải quyết bồi thường của người bảo hiểm đối với những tổn thất nhỏ, vì những tổn thất nhỏ thường xuyên xảy ra. Vì vậy, khi xét thấy tổn thất dưới mức miễn thường, người được bảo hiểm phải tự mình xử lý và đề phòng, hạn chế tổn thất.
  • Hợp đồng bảo hiểm có quy định mức miễn thường sẽ khiến cho người được bảo hiểm quan tâm và có trách nhiệm hơn trong việc đề phòng và hạn chế tổn thất.

Miễn thường có khấu trừ thường áp dụng trong hợp đồng bảo hiểm hàng hóa đối với những loại hàng có đặc tính hao hụt tự nhiên. Thông thường mức miễn thường bằng mức hao hụt tự nhiên của hàng hóa.

Ví dụ về mức miễn thường trong bảo hiểm:

Giả sử A mua bảo hiểm cho hàng hóa (trị giá 100.000 USD) và hai bên thỏa thuận MMT là 1% (tức là 1.000 USD về mặt giá trị). Khi có tổn thất xảy ra, nếu là 800 USD < MMT là 1.000 USD, công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường nữa (vì đôi khi chi phí cho vụ việc trên có thể phát sinh cao hơn 800 USD rất nhiều và công ty A chỉ nhận về 800 USD). Nhưng nếu tổn thất là 5.000 USD > MMT là 1.000 USD thì công ty bảo hiểm sẽ phải bồi thường 5000 USD (nếu là MMT không khấu trừ) hoặc 4.000 USD (nếu là MMT có khấu trừ).

Bảo hiểm trùng là gì?

Bảo hiểm trùng là trường hợp có hai hay nhiều hơn hai đơn bảo hiểm được cấp cho cùng một đối tượng bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm hay một phần của nó mà tổng số tiền được bảo hiểm vượt quá giá trị bảo hiểm. Về nguyên tắc, trong trường hợp bảo hiểm trùng, khi đối tượng bảo hiểm bị mất thì những người bảo hiểm chỉ trả tới giá trị tối đa bằng giá trị bảo hiểm.

Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải - Những Kiến Thức Cần Biết (P1)

Hình biểu diễn trường hợp bảo hiểm trùng

Ví dụ về bảo hiểm trùng:

Công ty A có một kiện hàng hóa có giá trị là 100.000 USD, công ty này tiến hành mua bảo hiểm tại công ty Bảo minh chẳng hạn là 70% giá trị (tức 70.000 USD); song song đó, công ty A lại đi mua tại Prudential (hay AIA cũng được) với số tiền bảo hiểm là 70% giá trị (tức là 70.000 USD). Đương nhiên công ty A mong đợi là hai công ty bảo hiểm này không biết gì về chiêu trò này. Vậy, tổng số tiền bảo hiểm cho kiện hàng này là 140.000 USD.

Khi tàu gặp nạn, hàng hóa bị tổn thất toàn bộ. Thì công ty A cũng chỉ nhận về số tiền bồi thường là 100.000 USD (theo hình thức bảo hiểm vượt giá trị) do 2 công ty bảo hiểm sẽ tự chia số tiền bồi thường theo tỷ lệ. Vì khi một con tàu gặp nạn trên biển thì các công ty bảo hiểu đều biết và xét xem nó có thuộc phạm vi trách nhiệm của mình không. Do vậy, mặc dù công ty A phải trả nhiều phí bảo hiểm vì mua vượt giá trị nhưng số tiền bồi thường vẫn không lớn hơn giá trị (không nói đến bảo hiểm phần lãi ước tính ở đây).

Đồng bảo hiểm là gì?

Đồng bảo hiểm là trường hợp có nhiều hơn hai đơn bảo hiểm cùng cấp cho một đối tượng bảo hiểm nhưng tổng số tiền bảo hiểm trên các đơn bảo hiểm không lớn hơn giá trị bảo hiểm (hoặc chỉ lớn hơn theo tỷ lệ cho phép – thường là lãi ước tính) – do giá trị lô hàng quá lớn, một công ty bảo hiểm không đủ sức gánh vác trách nhiệm bồi thường hi có tổn thất xảy ra.

Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải - Những Kiến Thức Cần Biết (P1)

Hình minh họa cho trường hợp đồng bảo hiểm

Tái bảo hiểm hiểm là gì?

Tái bảo hiểm là một nghiệp vụ qua đó một công ty bảo hiểm gốc (người nhượng) chuyển cho một hoặc nhiều công ty bảo hiểm khác (người nhận tái) một phần rủi ro mà anh ta đã nhận bảo đảm.

Về phương diện pháp lý, người được bảo hiểm chỉ cần biết người bảo hiểm gốc là người duy nhất chịu trách nhiệm đảm bảo cho rủi ro của mình chứ họ không cần biết đến người nhận tái bảo hiểm.

Hợp đồng tái bảo hiểm là bản cam kết giữa công ty nhượng và các công ty nhận tái bảo hiểm, qui định quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên trong hợp đồng. Nội dung của hợp đồng tái bảo hiểm đề cập đến hầu hết các nội dung qui định trong hợp đồng bảo hiểm gốc, ngoài ra còn cam kết về phương thức tái bảo hiểm, tỷ lệ phần trăm hay số tiền mỗi công ty nhận tái bảo hiểm, tỷ lệ thủ tục phí tái bảo hiểm và những vấn đề khác. Hợp đồng tái bảo hiểm chỉ có thể được thiết lập và tồn tại khi có một hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực.

Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải - Những Kiến Thức Cần Biết (P1)

Hình minh họa việc tái bảo hiểm

Xem thêm tại:
Bảo Hiểm Hàng Hóa Vận Tải – Những Kiến Thức Cần Biết (P2)

CEO TDgroup – THS. Mai Văn Thành
(bài viết có sử dụng tài liệu về Bảo hiểm hàng hóa vận tải của TS. Nguyễn Văn Khoảng – Trưởng khoa Khoa KTVT trường GTVT TP.HCM)

[BẢO TRỢ TRUYỀN THÔNG] KHÓA HỌC NGHIỆP VỤ KINH DOANH XUẤT NHẬP KHẨU – TDGROUP