Xuất khẩu theo điều kiện FOB- doanh nghiệp đang tự làm khó mình.

Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng Việt Nam đang  đi ngược với xu thế của toàn cầu khi xuất khẩu theo giá FOB và nhập khẩu theo giá CIF.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, việc chúng ta biết tận dụng điều kiện hội nhập để đem lại lợi thế cho mình là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là chúng ta vẫn đang giữ những tập quán, thói quen  xuất nhập khẩu rất đơn thuần, lạc hậu mà đó là nguyên nhân rất lớn làm cho các doanh nghiệp Việt mất dần lợi thế trong ngoại thương

Theo INTERCOMS 2010, giao hàng theo hình thức FOB(free on board- giao hàng lên tàu) có nghĩa là người bán chỉ cần giao hàng lên tàu tại cảng xếp hàng.

Giao hàng theo hình thức CIF( cost, insurance and freight- tiền hàng, bảo hiểm và cước phí) nghĩa là người bán phải giao hàng qua lan can tàu tại cảng xếp, phải mua bảo hiểm cho hàng và thuê người vận chuyển để vận chuyển hàng đến cảng dỡ hàng.

Khi xuất khẩu theo điều kiện FOB các doanh nghiệp phải chịu những khó khăn như:

  • Theo FOB người bán phải giao hàng lên tàu, tuy nhiên người không thể tự đưa container hàng lên tàu mà chỉ có thể giao tại các bãi (CY-container yard) hoặc tại các kho hàng lẻ( CFS- container freight station). Việc kiểm tra, kiểm đếm giữa hai bên và việc thông quan của cơ quan hải quan đều diễn ra ở CY hoặc CFS. Như vậy có nghĩa là thực tế người bán đã giao hàng tại CY/CFS nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về rủi ro hàng hóa cho tới khi hàng hóa được bốc lên tàu.
  • Thường thì container giao cho người chuyên chở tại CY cho tới lúc nhận được vận đơn( B/L- bill of lading)  của hang tàu phải mất từ 5-7 ngày, mùa cao điểm có thể mất hơn 10 ngày. Đây là thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì đã giao hàng nhưng chưa thể lấy được tiền. Trong khi kinh doanh xuất khẩu nhiều doanh nghiệp phải vay ngân hàng ngay khi ký được hợp đồng, trễ nhận tiền ngày nào là chịu lãi ngày đó.
  • Đó là chưa kể đến người bán rất lệ thuộc vào tàu/container do người bán là người kí kết hợp đồng và quyết định phương thức vận chuyển. Đôi khi vì lệ thuộc vào khách nước ngoài, tàu đến chậm làm hư hỏng hàng hoá đã tập kết tại cảng hoặc trong kho, nhất là hàng nông sản,…

Vậy tại sao doanh nghiệp vẫn xuất FOB?

Lí do chính khiến các doanh nghiệp chấp nhận xuất FOB dù rằng phải chịu nhiều khó khăn, rủi ro là:

  • Tập quán: điều kiện FOB được sử dụng rộng rãi từ khi vận tải container chưa phát triển. Các doanh nghiệp hình thành thói quen với việc xuất khẩu theo điều kiện FOB, rất ngại đổi sang điều kiện khác vì phải thay đổi thói quen làm việc, sợ rủi ro mang tâm lí mọi người làm sao thì mình làm vậy.
  • Thiếu thông tin và kỹ năng: các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nhiều thông tin về bảo hiểm, container, giá cước và lịch trình tàu. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự hiểu rõ các điều kiện INCOTERMS và những quy tắc xuất khẩu nên rất lung túng hay thậm chí thực hiện sai khi thay đổi sang hình thức xuất khẩu khác gây nhiều rủi ro và thiệt hại cho doanh nghiệp. Tâm lí nhân viên ngại tính toán tỉ lệ phí bảo hiểm, cước tàu,..nên thường thích chào hàng theo giá FOB.
  • Hoạt động logistic, bảo hiểm: để chuyển sang xuất khẩu sang điều kiện xuất khẩu khác( ví dụ như FCA,CIF,…) các doanh nghiệp cần tìm được những đối tác tin cậy trong lĩnh vực logistic, bảo hiểm, các hãng tàu,… nhưng hiện nay các công ty logistics, các hãng tàu trong nước vẫn chưa thực sự làm cho các doanh nghiệp yên tâm, môi giới bảo hiểm hàng hóa cũng chưa phát triển mạnh tại Việt Nam khiến cho họ ngại lại thêm ngại thay đổi.

Những năm gần đây, báo chí, các cơ quan chức năng vẫn luôn lặp đi lặp lại điệp khúc khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi xuất khẩu theo điều kiện FOB sang các điều kiện CIF,FCA,… tuy nhiên  tình hình vẫn chưa có cải thiện rõ rệt. Ai cũng dễ dàng nhìn ra những bất lợi khi xuất khẩu theo giá FOB nhưng chưa ai có lời giải hoàn hảo cho bài toán làm thế nào để thay đổi hiệu quả cả. Khi nào chưa có lời giải cho bài toán này thì khi đó doanh nghiệp vẫn chưa thể thay đổi, vẫn tự mình làm khó mình.