Có hãng thu gần 50 loại phí
Sau khi kiểm tra thu phí tại 20 công ty (đại diện, đại lý độc quyền các hãng vận tải biển quốc tế tại Việt Nam), mới đây, Bộ Tài chính có báo cáo gửi Thủ tướng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các hãng tàu thu của DNVN gần 70 loại phụ phí các loại, trung bình mỗi hãng thu khoảng 14, 15 loại phí. Cá biệt có hãng thu tới 47 loại phí. Trong đó, phụ phí xếp dỡ container chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 49,6%.
Điều đáng nói, thu DNVN lớn, nhưng các hãng tàu thực trả cho dịch vụ xếp dỡ cảng biển Việt Nam thấp. Cụ thể, các hãng tàu thu DNVN trung bình từ 88 đến 131,5 USD/container trong khi chi trả cho phía cung cấp dịch vụ xếp dỡ chỉ từ 46,1 đến 69,1 USD/container.
Các hãng tàu lý giải, ngoài chi phí trực tiếp phải trả cho cảng biển, họ còn phải trả cho các cảng trung gian liên quan tới xếp dỡ container và chi phí khác trên cả hành trình. Song văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai ký bác bỏ điều này: “Việc thu phí xếp dỡ cao hơn so với thực tế phải trả cho cảng biển tại Việt Nam theo giải trình của các công ty là chưa có cơ sở. Mức thu lại quá cao so với thực tế phải trả ở cảng Việt Nam”.
Sao không ai quản lý?
Cũng qua kiểm tra, Bộ Tài chính cho hay, các khoản phụ phí khác (phụ phí biến động giá nhiên liệu, phụ phí mất cân bằng container, phụ phí biến động tỷ giá, phụ phí bảo dưỡng và sửa chữa container, phụ phí vệ sinh…) còn “chưa minh bạch trong việc áp dụng các mức phí”. Bộ này nhận định do các DNVN đa phần áp dụng hình thức mua giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập khẩu, đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hóa tới cửa khẩu của bên nhập khẩu). Vì thế, đối tác nước ngoài có quyền thuê, chỉ định hãng tàu vận chuyển, công ty giao nhận. “Để nhận được hàng, DNVN phải chấp nhận chi trả các khoản phụ phí theo mức thu mà hãng tàu hoặc công ty giao vận áp đặt mà không được quyền đám phán, thỏa thuận”, Bộ Tài chính nhận định.
Điều lạ lùng là, các khoản phụ phí theo cước vận tải biển lại không nằm trong bất cứ danh mục quản lý nào của nhà nước. Danh mục biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải cũng không, mà danh mục hàng bình ổn giá của Luật giá cũng không có. Do đó, các khoản thu của hãng tàu tự đặt ra chưa có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần ban hành văn bản quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi DNVN.
Theo kinh nghiệm quốc tế, một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều có hệ thống quản lý nhà nước với các khoản phụ phí theo cước vận tải biển. Tại Mỹ, các hãng tàu phải đăng ký danh mục các phụ phí với cơ quan nhà nước. Nếu thu bất hợp lý, không giải trình được sẽ không được áp dụng. Còn Trung Quốc xây dựng sàn giao dịch cước vận tải biển, trong đó các loại phụ phí được công khai, minh bạch để các đơn vị có thể biết và so sánh trước khi quyết định.
Qua kết quả kiểm tra lần này, Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan quản lý chuyên môn đề xuất ban hành quy định về danh mục, quy trình kê khai, đối tượng kê khai với cước vận tải biển và phụ cước vận tải biển vào Luật Hàng hải Việt Nam.
Trong 2 năm (2013 và 2014), các hãng tàu thu cước vận tải và phụ phí 77.115 tỷ đồng, riêng phụ phí 26.561 tỷ đồng. Trong đó, phí dịch vụ xếp dỡ container hơn 13.197 tỷ đồng, phụ phí xăng dầu hơn 5.447 tỷ đồng, phí chứng từ khoảng 1.341 tỷ đồng…