Nhà đầu tư kỳ vọng đưa Yên Viên trở thành ga đầu mối lớn nhất miền Bắc về trung chuyển hàng hóa – Ảnh: Ngô Vinh |
Đây là nhận định của ông Bùi Quang Liên, Giám đốc Công ty Logistics đường sắt (ITL) – đơn vị đầu tư Dự án Trung tâm Logistics đường sắt ga Yên Viên (Hà Nội), một trong những dự án đầu tiên sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa đầu tư của ngành Đường sắt.
Cánh tay nối dài của các cảng biển
Được biết, Công ty ITL đang đầu tư Dự án cải tạo và xây dựng kho – bãi hàng của ga Yên Viên (Hà Nội). Lý do nào khiến ông quyết định đầu tư vào lĩnh vực được coi là có độ rủi ro cao này?
Ví trí địa lý của Việt Nam khá phù hợp để phát triển ngành Đường sắt. Tuy nhiên, do các yếu tố khách quan và chủ quan khiến đường sắt chưa phát triển được đúng tiềm năng của mình. ITL là đơn vị hàng đầu của Việt Nam chuyên cung cấp các giải pháp về chuỗi cung ứng logistics, chúng tôi mong muốn tận dụng những lợi thế của ga Yên Viên là ga đầu mối lớn nhất miền Bắc để kết nối một cách hiệu quả giữa các phương tiện đường sắt, đường bộ và đường biển; ứng dụng những công nghệ hiện đại về quản lý, xếp dỡ hàng hóa, container nhằm mang lại các giá trị gia tăng cho xã hội và khách hàng. Chúng tôi đã nghiên cứu Dự án này trong hai năm và nhận thấy đây là dự án rất khả thi về kinh tế và mang lại hiệu quả xã hội cao.
Đến nay, tiến độ Dự án được thực hiện đến đâu, thưa ông?
Trong quá trình nghiên cứu Dự án, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trong việc giải quyết các vướng mắc về kỹ thuật chuyên ngành. Chúng tôi cũng đã trao đổi cụ thể và chuyên sâu với các chuyên gia của Tập đoàn Bưu điện Singapore và Công ty ITL Logistics để nhận được sự hỗ trợ về vốn, công nghệ và nguồn nhân lực.
Công ty ITL muốn thuê lại bãi hàng container ga Yên Viên trong 20 năm để thực hiện Dự án xây dựng Trung tâm Logistics đường sắt. Nếu được chấp thuận, dự kiến, dự án này sẽ được hoàn thành trong vòng bốn tháng với tổng mức đầu tư khoảng 85 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Trung tâm Đường sắt Logistics sẽ có diện tích rộng 15.700 m2 chia làm ba khu vực văn phòng, xếp container rỗng và đường đi tác nghiệp xe hàng. Dự án này cũng sẽ thu hút hành khách sử dụng dịch vụ đường sắt như một trung tâm dịch vụ tổng hợp gồm vận chuyển đường sắt, đường bộ, kho bãi, hải quan… |
Theo thông tin từ VNR, dự kiến vào giữa tháng 6 này, công ty ITL Logistics và VNR sẽ tiến hành ký hợp đồng chính thức để có thể đưa Dự án vào vận hành trong quý II/2016.
Về tổng quan, Dự án Trung tâm Logistics đường sắt ga Yên Viên khi đi vào hoạt động sẽ là cánh tay nối dài của các cảng biển quan trọng như Hải Phòng, Cái Lân nhằm rút ngắn thời gian làm hàng, giảm chi phí logistics cho khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Kết nối các phương tiện đường biển, đường sắt, đường bộ, từ đó giảm tải cho QL5 và QL18. Theo tính toán, có thể giảm được khoảng 150 đến 170 lượt xe vận chuyển container mỗi ngày trên các tuyến đường này.
Ngoài ra, Dự án còn giúp tăng nhanh tốc độ quay vòng các đoàn tàu Bắc – Nam nhờ vào công nghệ quản lý và thiết bị xếp dỡ hiện đại.
Khi bắt tay vào nghiên cứu các dự án đường sắt, chúng tôi lo lắng nhất về cơ chế quản lý và tư duy của ngành Đường sắt. Nếu các thông tin và cơ chế, chính sách được minh bạch hơn, tôi tin rằng các khó khăn sẽ được tháo gỡ.
Đường sắt cần rất nhiều vốn và công nghệ để hiện đại hóa
Theo ông, ngành Đường sắt có những tiềm năng gì để có thể hấp dẫn các nhà đầu tư xã hội hóa?
Do “ngủ quên” một thời gian khá dài so với các loại hình vận chuyển khác nên ngành Đường sắt cần rất nhiều vốn và công nghệ để hiện đại hóa các quy trình tác nghiệp. Theo mô hình chuỗi cung ứng logistics trên thế giới, đường sắt phải kết nối với các cảng biển nhằm đảm bảo sự lưu thông trong vận hành hàng hóa, container và chia sẻ gánh nặng cho đường bộ. Chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư xã hội hóa cùng hợp tác với ngành Đường sắt để phát triển. Logistics đường sắt đã “ngủ quên” khá lâu, cần phải đánh thức và tạo điều kiện để phát triển.
Theo ông, để tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào ngành Đường sắt, nhất là bối cảnh đường sắt đang thiếu vốn như hiện nay, cần có thêm những điều kiện gì?
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, ngành Đường sắt cần xây dựng cơ chế và chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư. Vì thông thường, đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất của ngành Đường sắt thường yêu cầu nguồn vốn rất lớn, thời gian hoàn vốn dài có khi đến vài chục năm. Hơn nữa, các chính sách cần nhất quán nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi họ đã xác định cùng đồng hành phát triển với ngành Đường sắt.
Trung tâm Logistics đường sắt Yên Viên là dự án đầu tiên nên chúng tôi đặt rất nhiều tâm huyết với ngành Đường sắt. Chúng tôi đã nghiên cứu khả thi một số tuyến nhằm tận dụng lợi thế quan trọng của ga đầu mối Yên Viên. Chúng tôi đang quan tâm đầu tư đến các tuyến như Yên Viên – Hải Phòng, Yên Viên – Cái Lân, Yên Viên – Lạng Sơn, Yên Viên – Vinh – Đà Nẵng – Sóng Thần…
Cảm ơn ông!
Thiện Anh
Theo Baogiaothong