Chi phí logistics của Việt Nam còn cao

Các chuyên gia và DN tham gia Diễn đàn Logistics Việt Nam lần 2 do  Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức tháng 11 vừa qua tại TP.HCM cho rằng chi phí cho hoạt động logistics còn cao, đã làm giảm mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực ASEAN. Nếu không có giải pháp giảm chi phí, nhà đầu tư sẽ dịch chuyển hoạt động sang các quốc gia lân cận có thế mạnh cạnh tranh hơn.

Ông Nguyễn Văn Thể – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong thời gian qua Bộ này đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) nghiên cứu nhiều đề án, dự án hỗ trợ thể chế nhằm nâng cao hiệu quả vận tải đa phương thức và logistics.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chi phí logistics ở Việt Nam là 20,9% GDP, trong đó chi phí cho vận tải chiếm 56%. Đây là con số không tồi so với các nước đang phát triển, nhưng là rất cao ở các nước phát triển, nơi có chi phí logistics từ 9 – 15% GDP.

Cũng theo ông Thể, dịch vụ logistics chỉ thực sự phát triển khi chúng ta có nền tảng cơ sở hạ tầng vững chắc, coi cảng biển là đầu mối tập trung, kết nối tất cả các phương thức vận tải đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không và đường ống.

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, hiện DN của ông phải vận chuyển hàng hóa với tổng quãng đường khoảng 160km cho hai chiều hàng đi và về từ KCN Phú Mỹ đến cụm cảng TP.HCM để XK. Điều này làm chi phí vận chuyển tăng lên gấp 3 lần.

Theo ông Vũ, một nghịch lý khác đang làm cho nhiều DN hậu cần rời bỏ “sân chơi” khỏi ngành logistics Việt Nam là các cụm cảng trong nước không dành nhiều quỹ đất đầu tư cho kết cấu hạ tầng logistics, chỉ mới chú trọng xây dựng một số trung tâm kho vận nhỏ lẻ, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa vào những mùa xuất khẩu cao điểm.

Chẳng hạn, sự bất hợp lý nằm ở chỗ các cảng gần KCN Phú Mỹ rất thuận tiện cho việc XK của DN nhưng họ không thể sử dụng được vì hầu như không có những khu kho vận quy mô lớn, thiếu tàu container chạy tuyến quốc tế cập các cảng này. Do vậy, DN phải vận chuyển hàng đến các khu cảng ở xa trung tâm thành phố để xuất hàng.

“Điều này sẽ dẫn đến 3 vấn đề là tăng chi phí vận chuyển, phí lưu kho, mất sức cạnh tranh; thứ hai là tình trạng kẹt xe khá nghiêm trọng; và cuối cùng là thường bị ách tắc các cụm cảng tại TP.HCM”, ông Vũ cho biết thêm.

Ông Lê Phước Vũ kiến nghị Nhà nước cần có những chính sách vận hành hệ thống cảng một cách hợp lý để vừa giảm chi phí vận chuyển và giải quyết tình trạng kẹt cảng. Trong trường hợp có sự biến động về cước tàu và các loại phụ phí, cần thông báo trước một thời gian đủ dài để DN có sự chuẩn bị các kế hoạch ứng phó kịp thời.

Còn bà Victoria Kwakwa- Giám đốc WB tại Việt Nam thì cho rằng khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN – AEC vào năm 2015, làm thế nào tiếp tục tăng trưởng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, tham gia chuỗi gia trị toàn cầu là những điều hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, nhưng để tận dụng được cơ hội từ những hiệp định đó, thì cần phải nâng cao giá trị hàng XK, tăng cường năng suất lao động… Khả năng cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, khả năng vận tải logistics của DN Việt Nam phải được thay đổi một cách thật nhanh chóng để theo kịp sự tăng trưởng trong hội nhập này.

Bà Victoria Kwakwa khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung nhiều vào thúc đẩy tạo thuận lợi cho thương mại. Khi tạo thuận lợi thương mại tốt hơn sẽ giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến các thủ tục đối với DN. Đây là việc cần hợp tác giữa các DN cảng biển, XNK, logistics và cơ quan quản lý như cảng vụ, giao thông, hải quan, kiểm tra chuyên ngành…

Duy Quang