Có được một tấm vé tàu, xe Tết luôn là niềm mong mỏi của những người xa quê khi mỗi dịp Tết Nguyên đán cận kề. Thế nhưng, nỗi “ám ảnh” trong cảnh chen lấn, xô đẩy nhau mua vé và thậm chí về tay không, khiến không ít người ngao ngán.
Rất đông hành khách ngồi đợi mua vé tại Bến xe miền Đông
Chỉ còn hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Vì thế, thời điểm cận Tết cũng chính là mùa cao điểm của việc bán vé tàu, xe Tết. Thế nhưng, nỗi lo về việc không mua được vé hay mua vé với giá “cắt cổ” từ các “cò vé” tại các bến xe, bến tàu luôn là nỗi lo chung của nhiều người dân xa quê.
Vé xe dồi dào, vé tàu hạn hẹp
Theo thông tin từ ban quản lý của các bến xe, nguồn cung vé phục vụ nhu cầu đi lại trong dân sẽ được tăng cường, đảm bảo đủ cho hành khách trong dịp Tết Ất Mùi 2015. Ông Bùi Công Hiệp – Trưởng Ban quản lý bán vé Bến xe miền Tây (BXMT) cho biết: “Lượng khách trong dịp Tết tăng gấp đôi so với ngày thường. Để đảm bảo đủ vé, chúng tôi có sẵn đội ngũ xe buýt, xe hợp đồng để điều động khi cần thiết. Nhờ vậy, BXMT rất ít rơi vào tình trạng khan vé”.
Khác với BXMT chỉ phục vụ khoảng 100 tuyến xe đến 13 tỉnh, thành tập trung chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ, Bến xe miền Đông (BXMĐ) là nơi tập trung nhiều hãng xe, phục vụ cho nhu cầu đi lại của hầu hết các hành khách ở tuyến đường dài hầu hết cả tỉnh, thành trong cả nước. Do đó, tình trạng thiếu vé xe mỗi dịp lễ Tết luôn khiến nhiều người “canh cánh” lo lắng.
Trước vấn đề này, ông Thượng Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc BXMĐ khẳng định: “Người dân thường có thói quen mua vé ở một số hãng quen thuộc nên khi thấy thông báo có vé thì đổ xô đến hãng đó mua, khiến một số hãng xe cháy vé còn những hãng xe khác thì lại còn thừa vé nhiều. Tuy nhiên, tại bến xe thì dù có cận ngày, hành khách muốn mua vé về ngay, chắc chắn sẽ có. Thậm chí đến ngày 30 tháng Chạp, bến xe còn tổ chức thêm các chuyến xe để phục vụ thêm. Do đó, tình trạng thiếu vé xe Tết tại bến xe là không có”.
Theo thông tin từ Ban Quản lý BXMĐ, dự kiến lượng hành khách tại bến trong dịp Tết Nguyên đán 2015 có thể sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước và chủ yếu sẽ tập trung vào các ngày từ 24 – 28 tháng Chạp. Dự báo, bến xe sẽ cung ứng 13.660 xe phục vụ cho 339.400 hành khách, số lượng xe quay vòng sẽ là 3.970 xe và 60 xe buýt.
Về cung ứng vé tàu Tết tại Ga Sài Gòn, việc đặt mua vé tàu được ngành đường sắt mở bán qua mạng từ ngày 1 – 5/12/2014. Sau thời gian này, những ghế còn trống hoặc được khách hàng trả lại sẽ tiếp tục bán tại quầy hoặc qua mạng. Tuy nhiên, việc bán vé tàu vẫn còn hạn hẹp khi lượng vé hiện tại chưa thể cung cấp đủ cho hành khách.
Ông Thành – Trưởng Ga Sài Gòn cho biết: “Chúng tôi biết lượng vé cung cấp ra thị trường hiện vẫn thấp hơn khá nhiều so với nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tăng lượng vé bán ra vì cơ sở hạ tầng và số lượng tàu hiện tại chưa cho phép”.
Theo ghi nhận của PV tại Ga Sài Gòn, khá nhiều người dân có nhu cầu mua vé tàu Tết nhưng vẫn không mua được vé, đa số họ tỏ ra thất vọng và cho biết sẽ chọn phương án đi xe khách về quê trong dịp Tết này.
Sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện có “cò vé”!
Nhiều người dân đến Bến xe miền Tây hỏi giá bán vé xe Tết
Bên cạnh nỗi lo về số lượng vé của các hãng tàu, xe liệu có đủ để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán hay không, vấn đề về giá vé cũng đang là mối quan tâm lớn của nhiều hành khách. Đặc biệt là khi cận Tết, thời gian cao điểm của việc đi lại khiến cho giá vé xe cũng “nhảy vọt”.
Tại BXMĐ, giá vé xe trong dịp Tết này được điều chỉnh tăng từ 20% – 60% so với giá vé ngày thường. Mức tăng ít hay nhiều được áp dụng tùy từng thời điểm và quy định cụ thể của các tuyến đường khác nhau. Giá vé xe tại BXMT áp dụng trong Tết Ất Mùi được điều chỉnh tăng, Trưởng Ban quản lý bán vé BXMT cho biết: “Giá vé xe Tết tăng khoảng 40% so với giá ngày thường. Năm nay xăng giảm, giá vé đương nhiên sẽ giảm so với năm trước. Tuy nhiên, giá vé cụ thể của từng hãng xe do các đơn vị này quyết định sau khi được thông qua bởi các cơ quan chức năng”.
Đặc biệt, với hiện trạng giá xăng dầu giảm khiến nhiều người vui mừng bởi có thể giá vé xe Tết sẽ được điều chỉnh giảm theo, gánh nặng về chi phí cũng giảm bớt. Thế nhưng, tình trạng “cò vé” lộng hành tại các bến tàu, xe luôn là nỗi lo lớn đối với nhiều hành khách. Chưa kể, việc “mập mờ” về thông tin giá vé hay bị “ép giá” trong những ngày cao điểm thường khiến hành khách thêm hoang mang.
Đáng chú ý hơn, tình trạng “cò vé” vẫn diễn ra khá phức tạp tại Ga Sài Gòn khi cung không đủ cầu. Vé tàu bán trực tuyến chính thức tại hệ thống nhanh chóng hết sạch chỉ trong vài ngày mở bán, thế nhưng, “cò vé” vẫn có trong tay lượng lớn vé bán và khẳng định rằng “ngày nào cũng có vé” (?)!
Để ngăn chặn tình trạng “cò vé”, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thêm một số yêu cầu đặc biệt trong quá trình mua vé tàu Tết là hành khách phải điền đầy đủ thông tin bao gồm cả số CMND để đăng ký mua vé. Vậy nhưng “cò vé” vẫn có thể “hoành hành” khi sử dụng số CMND của người thân để đặt vé trước đó. Và tất nhiên, giá vé tàu được phân phối từ các “cò vé” chênh lệch ở mức cao so với vé bán chính thức từ 100.000 – 150.000 đồng/vé. “Tuy nhiên, hành khách khi mua những vé này chắc chắn sẽ không sử dụng được vì không khớp với thông tin cá nhân trên vé”, ông Thành – Trưởng Ga Sài Gòn khẳng định.
Vấn đề “cò vé” luôn là vấn đề nan giải tại các bến tàu, xe, trước tình hình khá phức tạp của những ngày đi lại cao điểm, các cơ quan ban ngành cần có kế hoạch cụ thể để ngăn chặn tình trạng “lộng hành” của những người lợi dụng thời cơ trục lợi.
Ông Thượng Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc BXMĐ cho biết: “Nếu phát hiện những hãng xe nào lợi dụng thời cơ để tăng giá, bán giá cao hơn so với giá niêm yết tại bến hoặc xuất hiện “cò vé” làm giá thì Ban Quản lý sẽ lập biên bản rồi gửi cho các cấp thanh tra để tiến hành xử phạt. Do đó, nếu hành khách có phát hiện ra những hành vi “hét” giá vé xe nên báo với Ban quản lý để kịp thời giải quyết”.
Theo congly.com.vn