“Sức nóng” Uber là cơ hội thay đổi cho taxi ?

Những tranh luận trái chiều quanh sự việc dịch vụ Uber bị xử lý ở TP.HCM đang tiếp tục diễn tiến, khi nhiều người cho là nguyên nhân xuất phát từ quan điểm “quản không được thì cấm” của cơ quan quản lý.

“Sức nóng” Uber là cơ hội thay đổi cho taxi ?

Các hãng taxi đang đứng trước yêu cầu đổi mới cùng sự việc Uber.

Song trong 12 giờ qua, đa phần ý kiến bắt đầu chuyển hướng về phía đánh giá lại phản ứng của giới kinh doanh taxi và đề nghị nên có những cải cách cần thiết trong lĩnh vực này.

Trên tường cá nhân mạng xã hội Facebook, anh Trần Mạnh Hiệp, admin diễn đàn công nghệ Tinh tế (TP.HCM) đã đưa ra kiến nghị “hợp tác” tốt hơn giữa 2 loại hình vận tải công cộng “cũ và mới” là Uber và taxi.

Anh Hiệp chia sẻ: “Người ta có thể thấy là Uber dùng “đám mây” để kết nối người đi xe và tài xế, trong khi các hãng taxi dùng hệ thống tổng dài, bến bãi. Có vẻ Uber tiết kiệm được chi phí từ đây. Về xe, Uber tận dụng được sự nhàn rỗi của những xe mua về để không, hoặc thêm việc cho các đơn vị cho thuê xe. Để giải quyết cạnh tranh với Uber, các hãng taxi nên “lên mây” để giảm chi phí quản lý, vận hành, giúp hạ giá thành, tổ chức dịch vụ tốt hơn mà lợi nhuận vẫn cao.

Đồng thời, nên xem xét mở các dịch vụ tương tự Uber của người Việt Nam, do nhiều người sẽ làm app hay các công ty vận tải sẽ thêm mô hình cạnh tranh với taxi. Mình mong điều đó xảy ra, hơn là để Uber to đùng lên. Taxi cũ quá rồi, cùi quá rồi… cần có cái gì đó để làm cho nó tỉnh lại thôi”.

Có thể thấy, ý kiến của anh Trần Mạnh Hiệp và những ý kiến tương đồng khác, đang tạo 1 áp lực trào lưu với các hãng vận tải taxi, rằng đừng nên tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng theo hướng “tố cáo” hoạt động Uber bất hợp pháp, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế…

Điều dễ nhận thấy là cộng đồng sẽ đánh giá chính các hãng taxi chỉ vì lợi ích cục bộ, sợ mất thị phần, nên ra sức bảo vệ quan điểm “cấm Uber”, và như vậy chỉ càng khiến dư luận mạng xã hội thêm “lên án” taxi. Thay vào đó, hướng xử lý dung hòa các mô hình vận tải công cộng, tránh đối kháng loại trừ nhau, là cần đặt ra!

 Chia sẻ của anh Trần Mạnh Hiệp trên mạng Facebook về Uber.

Nhìn nhận tích cực của cộng đồng mạng là các hãng taxi cần nhanh chóng đổi mới năng lực hoạt động, chấn chỉnh dịch vụ tích cực hơn theo 2 hướng: nâng cao ứng dụng công nghệ để “không lạc hậu” trước các mô hình mới mà Uber hay Grab đã khởi xướng; và soát lại công tác quản lý, tổ chức dịch vụ tốt hơn, bỏ đi đủ điều tiếng “taxi dù”, chặt chém khách, lừa gạt hay… vô trách nhiệm với tài sản của khách hàng.

Một số thành viên cộng đồng mạng còn dự báo: Nếu các hãng taxi không thay đổi và loại hình xe gọi như Uber bị cấm, chắc chắn sẽ có việc “phản đối” taxi xuất hiện!

Ghi nhận từ các thành viên Uber TP.HCM cũng cho thấy, cách xử lý tích cực, đưa mô hình vận tải ứng dụng công nghệ như Uber vào quản lý, đang là lựa chọn chung của nhiều nước trên thế giới và khu vực, thay vì chỉ có giải pháp cấm chặn.

Tại Singapore và Hàn quốc, yêu cầu xiết chặt hoạt động Uber của chính quyền nhằm bảo đảm các quyền lợi lựa chọn tốt hơn cho hành khách và tăng cường trách nhiệm xã hội của các đơn vị làm dịch vụ, chứ không phải là cấm đoán.

Anh Trịnh Anh Tài, 1 thành viên mạng xã hội vừa từ Hàn quốc trở về thổ lộ: “Phần mềm Uber hoạt động tốt ở Seoul, thậm chí tài khoản Uber tại Việt Nam của mình vẫn sử dụng được bên đó, mình vẫn gọi được các xe Uber dễ dàng, không hề có chuyện bị cấm”.

Thông tin kêu gọi ở các nước này về dịch vụ vận tải công cộng, được ghi nhận là nhằm đề nghị các hãng taxi hãy cập nhật lại năng lực chính mình, nhằm mang lại lợi ích tốt hơn cho người dùng!

NGUYÊN ĐỨC
Theo Bizlive