DN nước ngoài “tràn” vào thị trường bán lẻ Việt Nam: Làm gì?

Các chuyên gia kinh tế nhận định: làn sóng các doanh nghiệp nước ngoài “tràn” vào thị trường bán lẻ Việt Nam là nằm trong lộ trình cam kết tự do hóa hội nhập. Tuy nhiên, cũng không nên để tình trạng này vượt khỏi tầm kiểm soát, khiến chúng ta phải làm thuê và trả lương cho người nước ngoài.

Năm 2007, Việt Nam mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động phân phối tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh. Khi đó, phần vốn nước ngoài trong liên doanh bị giới hạn không quá 49%. Hai năm sau, quy định này được nới lỏng khi Việt Nam cho phép doanh nghiệp nước ngoài được thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Và sau đó, thị trường bán lẻ Việt Nam ngay lập tức đã chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt các nhà đầu tư nước ngoài như: BigC, Metro, Parkson…

Gần đây, tập đoàn bán lẻ số một Hàn Quốc – Lotte  vào Việt Nam. Và họ đặt mục tiêu sẽ có 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020. Cách đây vài tuần, Công ty Power Buy vừa hoàn tất mua lại 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) – đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim của Việt Nam.

Power Buy hiện đang là công ty bán lẻ điện máy hàng đầu của Thái Lan với hơn 80 cửa hàng. Robinson, chủ sở hữu Power Buy cũng đã có mặt tại Việt Nam với một trung tâm mua sắm mang tên ROBIN với diện tích 10.000 mét vuông tại Royal City – chi nhánh đầu tiên tại nước ngoài của Tập đoàn này

images1090494_LotteMart
Lotte đặt mục tiêu sẽ có 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020

Ông Tos Chirativat, Chủ tịch Hội đồng điều hành kiêm Tổng Giám đốc Central Group đã từng phát biểu rằng: “Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn về sức mua với hơn 60% dân số đang ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. Vì thế, Việt Nam đã trở thành thị trường mục tiêu tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ.”

Trong thời gian ngắn, hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam đã có khoảng 700 siêu thị, 130 trung tâm thương mại… , trong đó có khoảng hơn 22 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.

Nhận định về “sức hút” của thị trường Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam bởi thị trường bán lẻ Việt Nam được xếp thứ 13 trên thế giới cùng với những thành tựu về kinh tế, về xóa đói giảm nghèo đạt được trong thời gian gần đây.

“Ngoài ra, tôi cũng chưa hiểu tại sao chúng ta lại dành cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam những vị trí kinh doanh rất đẹp, thuận lợi…cũng như tạo nhiều điều kiện cho họ. Vì thế, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Lê Đăng Doanh cho hay.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định rằng, một trong những nguyên nhân khiến thị trường bán lẻ trong nước “yếu” và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài “nhảy vào” là vì các doanh nghiệp trong nước còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết như: sức cạnh tranh còn yếu, chi phí đầu vào quá cao, trong khi sức mua giảm mạnh, lượng hàng tồn kho lớn, sản xuất đình trệ, khiến cho DN bán lẻ phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa vì không đủ sức gánh lỗ…

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong lúc hầu hết tất cả các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có mặt tại Việt Nam “sống khỏe” thì tại sao nhiều cửa hàng, siêu thị của các doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa?

Bà Đinh Thị Mỹ Loan,Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, năng lực tài chính yếu kém là lý do quan trọng nhất khiến các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam không phát triển được và phải “nhường chỗ” cho các tập đoàn nước ngoài.

Chủ nhà phải nhìn xa trông rộng

Tháng 1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn bởi nội dung này nằm trong lộ trình cam kết tự do hóa hội nhập. Việc này đồng nghĩa là sự cạnh tranh sẽ tăng lên rất nhiều và thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi.

Không ít những e ngại Viêt Nam có thể sẽ đánh mất chỗ đứng trong hệ thống chuỗi siêu thị và hàng hóa của Việt Nam sẽ bị “đánh bật” bởi các sản phẩm “made in Thailand”, “made in Korea”….

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài “đầu tư” vào thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tạo ra tính cạnh tranh cho thị trường cũng như sẽ có những bước chuyển giao công nghệ… Tuy nhiên, cùng với những lợi ích có được, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn và nguy cơ.

“Việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào thị trường bán lẻ Việt Nam ồ ạt nếu thành trào lưu sẽ xảy ra những tình trạng khó lường. Khi đó, mặt bằng, lợi nhuận và các lợi ích liên quan sẽ rơi vào tay người nước ngoài. Hàng Việt sẽ khó có cơ hội có mặt tại các siêu thị mà chỉ quanh quẩn ở các chợ, các khu vực nông thôn…Và tất nhiên, khả năng tiêu thụ hàng hóa trong nước sẽ giảm đi, sẽ ảnh hưởng tới sản xuất, bởi tiêu thụ là một trong những yếu tố chính chi phối sản xuất kinh doanh.

Đứng trước nguy cơ đó, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ đối với sự đầu tư của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam, bởi hàng hóa của các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam không phải lúc nào cũng đạt đáp ứng được tất cả các yếu tố về: vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về thuế, hành chính….

“Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước cần phải liên kết chặt chẽ với nhau. Nhà nước nên có những chính sách cho các tập đoàn chủ chốt trong nước. Bộ Công Thương cũng phải có những suy nghĩ mới”, ông Nguyễn Minh Phong nhận định.

Bày tỏ lo ngại đối với vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước là vô cùng cần thiết. Năm 2015 là năm cộng đồng kinh tế ASEAN, hàng hóa các nước thành viên ASEAN vào Việt Nam sẽ có thuế suất bằng không. Khi đó, thị trường bán lẻ trong nước sẽ càng trở nên khó khăn gấp bội.

“Đối với doanh nghiệp trong nước, sức ép này buộc họ phải xem lại môi trường kinh doanh, chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn. Để không xảy ra tình trạng doanh nghiệp nước ngoài đi đến đâu, hàng hóa ngoại sẽ phủ đến đó thì Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Thị trường bán lẻ trong nước đang thực sự thiếu “nhạc trưởng” trong các vai trò: sản xuất, phân phối…Vì thế, cần phải nhận ra được lỗ hổng trong các phân khúc này nhằm giảm bớt giá thành đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ cho thị trường bán lẻ Việt Nam.Chúng ta cần phải nhìn xa trông rộng ra 10 năm nữa. Làm thế nào để trong tương lai chúng ta đừng phải mua hàng của người nước ngoài, làm thuê cho người nước ngoài và trả lương cho họ”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ quan điểm./.

Quỳnh Anh