Nhà đầu tư Oman nhắm cảng lớn nhất miền Bắc

Thương vụ mua cổ phiếu Cảng Hải Phòng của Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman, nếu thành công, sẽ mở toang cánh cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các cảng biển dưới hình thức mua bán, sáp nhập (M&A).

Đèn xanh đã bật

Sự ưng thuận là điều có thể nhận thấy trong phương án thoái vốn Cảng Hải Phòng cho Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI), thành viên Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) vừa được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trình Bộ Giao thông – Vận tải vào đầu tuần này.

Cảng Hải Phòng có lợi thế là cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc. Ảnh: Hà Thanh

Cảng Hải Phòng có lợi thế là cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc. Ảnh: Hà Thanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Với hơn 9 trang văn bản, đây có thể coi là phương án chi tiết nhất để mở đường cho VOI từng bước tham gia đầu tư vào Cảng Hải Phòng. Kế hoạch này đã được cả VOI và Vinalines manh nha từ khoảng 6 tháng nay.

Cụ thể, Vinalines xin được chuyển nhượng cho VOI tối đa là 29,68% vốn điều lệ của Cảng Hải Phòng (tương đương 97.057.400 cổ phần) và đảm bảo phần vốn còn lại của Tổng công ty tại doanh nghiệp khai thác cảng lớn nhất miền Bắc từ 65% đến 75% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, Vinalines cũng xin áp dụng phương thức thỏa thuận trực tiếp tương tự trường hợp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sau IPO mà Tổng công ty Hàng không Việt Nam được phép áp dụng.

“Theo quy định của Chính phủ Oman, SGRF không được phép tham gia đấu giá trong các khoản đầu tư, mà chỉ được thực hiện đầu tư thông qua đàm phán với đối tác, hay nói cách khác, việc thỏa thuận trực tiếp là điều kiện tiên quyết cho dự án đầu tư của SGRF”, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines cho biết.

Được biết, đây cũng là điểm mắc duy nhất trong phương án thoái vốn của Vinalines cho VOI cần phải xin thêm ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước.

Cần phải nói thêm rằng, trước đó, Chính phủ cũng đã đồng ý bán một phần cổ phần của Vinalines tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng cho VOI. Tại Văn bản 10582/VPCP – ĐMDN, Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý bán tối thiểu 19,68%, tối đa 29,58% cổ phần thuộc sở hữu của Vinalines cho VOI.

“Việc bán tiếp phần vốn này sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn nói trên để chỉ đạo Vinalines thực hiện bán cổ phần tại doanh nghiệp khai thác cảng lớn nhất miền Bắc này.

Trước đó, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá việc giảm tỷ lệ phần vốn của Vinalines tại cảng Hải Phòng là phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 2342/TTg – ĐMDN ngày 21/11/2014 về việc điều chỉnh Đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012 – 2015, trong đó Cảng Hải Phòng thuộc diện Vinalines nắm giữ 65-75% vốn điều lệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo thực hiện việc bán cổ phần này trên nguyên tắc sử dụng giá chuyển nhượng không thấp hơn giá đấu giá thành công bình quân tại phiên đấu giá lần đầu ra công chúng.

Vinalines được gì?

Không phải ngẫu nhiên, Vinalines lại tỏ ra rất sốt sắng trong việc chuyển nhượng cổ phần mà đơn vị này nắm giữ tại Cảng Hải Phòng cho đối tác đến từ Trung Đông.

Được biết, với giá chuyển nhượng tối thiểu dự kiến 13.800 đồng/cổ phiếu, Vinalines dự kiến thu được khoảng 1.339 tỷ đồng.

“Khoản tiền này sẽ bổ sung đáng kể nguồn lực phục vụ công tác tái cơ cấu, đồng thời làm lành mạnh hóa tài chính để tạo đà phát triển của Vinalines sau cổ phần hóa”, ông Sơn cho biết.

Cần phải nói thêm, trong đợt IPO vừa qua, mặc dù Cảng Hải Phòng có lợi thế là cảng biển lớn nhất khu vực phía Bắc, hoạt động kinh doanh luôn khá ổn định, nhưng kết quả đấu giá lần đầu chỉ bán được 17.376.600 cổ phần, đạt 21,26% tổng số cổ phần chào bán (tương đương 5,315% vốn điều lệ); trong lần thứ hai bán công khai cũng chỉ bán thêm được 2.000 cổ phần và không tìm được nhà đầu tư chiến lược.

Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là mục tiêu duy nhất mà Vinalines hướng tới trong đợt thoái vốn này. Cụ thể, nếu trở thành nhà đầu tư chiến lược, VOI/SGRF cam kết hỗ trợ khoảng 2 triệu USD/năm trong vòng 3 năm cho chi phí đội ngũ chuyên gia, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao hiệu quả Cảng Hải Phòng để đưa cảng biển này trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới cảng biển toàn cầu.

Theo thông tin mà Vinalines cung cấp, Công ty mẹ của VOI có một sơ yếu lý lịch rất “hoành tráng”. Cụ thể, SGRF được thành lập năm 1980 bởi Chính phủ Oman với tổng tài sản lên tới 35 tỷ USD. Về cảng biển, SGRF đã và đang đầu tư nhiều cảng biển lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Bỉ, Brasil với tổng giá trị trên 1 tỷ USD.

Tại cảng Kumport, sản lượng hàng hóa qua đây đã tăng 52% chỉ sau 3 năm sau khi SGRF đầu tư và trở thành cảng biển lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Đối tác Oman đã đề xuất một kế hoạch chi tiết và rất thuyết phục với lộ trình và giá trị tăng thêm cụ thể để cải thiện năng suất và lợi nhuận cảng Hải Phòng”, ông Sơn cho biết.

Anh Minh