Doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội lớn trở thành thành viên của chuỗi cung ứng linh kiện điện tử toàn cầu nhất là khi các hiệp định TPP, FTA có hiệu lực cùng làn sóng doanh nghiệp FDI đổ vào Việt Nam.
Tại hội nghị “Ảnh hưởng của TPP và EVFTA tới các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” tổ chức sáng 8/4, ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam có tăng trưởng hàng năm đạt 10%. Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững ngành công nghiệp điện tử, tuy nhiên hiện nay chi phí dành cho việc mua nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện điện tử đang chiếm 80% tổng chi phí của các doanh nghiệp, chỉ 20% chi phí là dành trả cho lao động.
Hiện linh kiện, phụ tùng điện tử do Việt Nam sản xuất được mới cung cấp được 20-30% chưa đáp ứng được nhu cầu và chủ yếu phải nhập khẩu.
Theo ông Long, các doanh nghiệp cần nắm rõ về TPP để tìm hiểu các ưu đãi trong phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Ông cho rằng, cần ứng dựng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Nói về ảnh hưởng của TPP và EVFTA, các chuyên gia tham dự hội thảo cho rằng doanh nghiệp Việt đang đứng trước cơ hội lớn, trở thành thành viên trong chuỗi cung ứng, sản xuất linh kiện, phụ tùng điện tử .
Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng ban FTA, Trung tâm WTO và hội nhập – VCCI cho biết TPP tác động tích cực đến Việt Nam trong xuất khẩu sản phẩm điện tử. Thuế MFN trung bình đối với các sản phẩm điện của 4 đối tác trong TPP Việt Nam chưa có FTA: Mỹ 1,6%, Canada 1,2%, Mexico 3,5%, Peru 1,3%. Mức thuế này đối với các sản phẩm điện tử của Việt Nam là 7,9%. Như vậy Việt Nam vẫn đánh thuế cao hơn so với các nước khác đánh thuế hàng Việt Nam.
Cam kết thuế trong TPP đa số các sản phẩm điện tử và linh kiện sẽ được xóa bỏ sau khi TPP có hiệu lực. Việt Nam có cơ hội trong nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện và xuất khẩu sản phẩm nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam trong áp lực cạnh tranh.
Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) cũng cam kết xóa bỏ thuế quan đa số sản phẩm điện tử ngay khi hiệp định có hiệu lực. Hiện thuế MFN trung bình đối với các sản phẩm điện tử trung bình là 7,9%, trong khi thuế trung bình đối với các sản phẩm điện tử của EU là 2,8%.
Vì những rào cản khác không thâm nhập được, Việt Nam có mức thuế trung bình cao, nếu mở cửa theo TPP nước bị tác động nhiều là Việt Nam, phía Việt Nam đang cao hơn gấp gần7 lần so với Mỹ, các doanh nghiệp điện tử trong nước sẽ bị tác động nhiều hơn doanh nghiệp xuất khẩu.
Việt Nam sẽ bị tác động nhiều hơn so với các nước khác.
“Tham gia vào TPP nhiều cơ hội nhưng thách thức lớn. Hiện tại ở Việt Nam bảo hộ thuế quan cao, xóa bỏ thuế quan doanh nghiệp nội địa sẽ mất tính cạnh tranh, đồng thời Nhà nước mất đi nguồn thu thuế nhập khẩu nhưng đổi lại người tiêu dùng hưởng lợi”, đại diện Trung tâm WTO và hội nhập VCCI phân tích.
Bà Lan Phương cho rằng doanh nghiệp Việt Nam còn bị động trong tìm hiểu thông tin. “Các doanh nghiệp FDI tìm đến chúng tôi rất nhiều để được chia sẻ và giải thích các thông tin liên quan đến hưởng ưu đãi trong TPP, FTAs, còn doanh nghiệp Việt Nam thì rất ít. Có một vài doanh nghiệp gọi đến, chúng tôi đề nghị gửi câu hỏi qua email để được giải đáp thì lại không gửi email”, bà Phương cho hay. Theo bà, các doanh nghiệp cần chủ động hơn, khi lợi ích chạm đến sát sườn đừng bỏ lỡ cơ hội.
Mở ra thị trường lớn
TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, doanh nghiệp phải thay đổi, không chỉ nhìn vào ưu đãi thuế. Hiện trong lĩnh vực linh kiện điện tử, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu là chủ yếu. TPP và các FTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ linh kiện, điện tử, doanh nghiệp Việt nam xuất đi với giá rẻ. Đồng thời, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, sẽ có dòng FDI mới đổ vào VN tận dụng cơ hội TPP và EVFTA. Doanh nghiệp Việt cố gắng tận dụng cơ hội sản xuất ra được hàng hóa trung gian tham gia chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp MNC (công ty đa quốc gia).
Bà Tuệ Anh phân tích có 3 khả năng xảy ra từ các doanh nghiệp MNC: 1-nhập khẩu hàng trung gian từ các quốc gia khác đảm bảo xuất xứ, 2- đem các vệ tinh khác vào để sản xuất và 3-mong muốn mua các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ doanh nghiệp nội địa.
Bởi vậy, trước làn sóng các công ty đa quốc gia đổ về Việt Nam, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nên nhìn vào tương lai để thấy cơ hội của mình. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thị trường lớn khi tham gia vào chuỗi cung ứng có thể sản xuất hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cung ứng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Phạm Minh Đức, Trưởng phòng phát triển kinh doanh, Công ty TNHH Creatz3D Việt Nam cho biết xu hướng doanh nghiệp chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam thuê nhà xưởng, thuê nhà máy sản xuất gia công là có thật. Bản thân ông cũng đi tìm cho một công ty của Singapore thuê công ty tại Việt Nam làm gia công và đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Chỉ công ty ông Dũng làm đã đóng góp giá trị xuất khẩu 3 triệu USD/năm. “ Số tiền này khiêm tốn nhưng đó là kết quả từ 1 công ty, 1 đối tác, 1 quốc gia, nếu nhân rộng ra nhiều công ty , nhiều quốc gia thì số tiền không hề nhỏ và cơ hội của doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng là có thật”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình sản xuất, chi phí sản xuất, giảm thời gian đưa sản phẩm tới tay người dùng nhất có thể. Tại hội thảo, ông Dũng giới thiệu về ứng dụng công nghệ in 3D vào trong sản xuất giúp rút ngắn nhiều thời gian trong hoàn thiện sản phẩm.
Hải Minh
Người đồng hành