15 năm nữa, nhân lực ngành logistics vẫn thiếu

Là một lĩnh vực kinh doanh có đóng góp lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn còn khá mới mẻ như logistics, việc thiếu nguồn nhân lực ngành logistics có chuyên môn sẽ gây ra những trở ngại đáng kể.

nhân lực ngành logistics
53,5% doanh nghiệp logistics vẫn đang thiếu nguồn nhân lực. Ảnh: H.Dịu

Chính vì thế, để cập nhật thêm những thông tin về nhu cầu nhân lực của ngành logistics trong những năm tới, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Đại học Ngoại thương) đã tổ chức Tọa đàm “Cơ hội việc làm trong ngành xuất nhập khẩu và Logistics trong bối cảnh hội nhập TPP và AEC” vào tối ngày 19-4 tại Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS.Trịnh Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Vận tải – Bảo hiểm, Đại học Ngoại Thương cho biết, logistics đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ứng dụng được logistics tốt sẽ giúp giảm chi phí nhân lực và thời gian làm việc, giúp giá thành sản phẩm giảm được đáng kể, gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, 53,5% doanh nghiệp trong ngành logistics vẫn đang thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đa phần, nhân lực của ngành này chưa được đào tạo bài bản, khi vào làm việc, doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian và chi phí để đào tạo lại, chưa kể đến tình trạng “chảy máu” nguồn nhân lực sang các doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Lê Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kho vận Việt Nam (Vinalogistic) cho rằng, logistics và ngành xuất nhập khẩu có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì thế, hệ thống công việc trong 2 ngành này có tới 127 vị trí có thể tuyển dụng nhân lực. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics, từ nay đến năm 2019, ngành logistics còn cần đến 18.000 lao động.

“Tại Việt Nam, mới chỉ có một trường đại học có đào tạo bài bản về chuyên ngành logistics cho sinh viên, còn lại, logistics chỉ là môn học phụ. Chưa kể đến, việc đào tạo ở trường chỉ là học tập lý thuyết, còn thực tế khi vào nghề lại là chuyện hoàn toàn khác”, ông Minh nói.

Sự khó khăn về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp ngành này càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và sắp tới là hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trên thế giới. Bởi theo lãnh đạo các doanh nghiệp logistics, để làm việc được với đối tác nước ngoài, đội ngũ nhân viên không chỉ cần năng lực, kinh nghiệm mà phải có bằng cấp, chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong những lĩnh vực logistics đặc thù.

Tiêu biểu như trong lĩnh vực logistics hàng không, theo bà Bùi Thị Lệ Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics Hàng không ALS, lĩnh vực này chịu sự chi phối của nhiều tổ chức quốc tế nên người làm việc cần phải đạt được một số chứng chỉ nhất định do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp hoặc chứng chỉ hàng hóa cơ bản, an ninh hàng không… Đây là những yêu cầu bắt buộc và là điều kiện cần để nhân lực ngành này tiến xa hơn.

“Nhân lực để làm việc tại Việt Nam có nhiều, nhưng nhân lực có chuyên môn, chứng chỉ quốc tế trong ngành logistics lại đang rất thiếu. 15 năm tới, ngành logistics tại Việt Nam vẫn lo thiếu nhân lực khi thị trường xuất nhập khẩu ngày càng rộng mở. Vì thế, đây là cơ hội để thu hút người trẻ, nhưng các bạn cần phải định hướng sớm học gì, lấy chứng chỉ gì và tích lũy đủ kiến thức”, bà Hằng nhận định.

Hương Dịu

Báo Hải Quan