Kể từ khi trở thành loại nhiên liệu hóa thạch sử dụng phổ biến nhất thế giới, dầu thô đã khẳng định vị trí độc quyền của nó trong nhiều ngành công nghiệp. Với hơn 2.000 sản phẩm thông dụng có thể sản xuất từ những chế phẩm có nguồn gốc dầu thô, nhiên liệu hóa thạch này được mệnh danh là “vàng đen”, và từng nhiều lần làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu khi xảy ra biến động giá .
Biến động của giá dầu thô thường theo xu hướng chung, nhưng có biên độ khác nhau giữa các nhánh dầu. Các chỉ tiêu thương mại của dầu bao gồm tỷ trọng, độ nhớt, hàm lượng lưu huỳnh là căn cứ để chia thành dầu nhẹ, dầu nặng, dầu ngọt, dầu chua…
Ví như loại dầu thô ngọt nhẹ sẽ dễ dàng chiết xuất các chế phẩm xăng hay dầu diesel hơn so với loại dầu nặng. Do đó, tại các quốc gia thuộc khu vực tiêu thụ khác nhau, giá dầu thô có khác biệt, và ảnh hưởng tới giá bán lẻ.
Thế giới hiện có 5 nhóm dầu chính (giỏ giá) làm chuẩn cho phần lớn các khu vực trên thế giới, bao gồm dầu Brent, dầu WTI, dầu Dubai/Oman, dầu Tapis, dầu Minas và giỏ giá dầu OPEC.
Dầu Brent là loại được sử dụng nhiều nhất trên các hợp đồng mua bán, được lấy theo giá chung tại khu vực khai thác ở biển Bắc, thuộc Anh. Đây là loại dầu lý tưởng để tinh chế xăng, dầu diesel và các sản phẩm có nhu cầu cao khác. Do khai thác chủ yếu trên biển nên đây cũng là loại dầu có thể cung ứng dễ dàng tới toàn thế giới qua đường biển.
WTI là loại dầu ngọt nhẹ có chất lượng cao, được khai thác từ các giếng khoan tại Mỹ, và thường được chuyển bằng đường ống để lưu giữ tập trung tại Cushing, Oklahoma. Do khai thác trong nội địa, vận chuyển khó khăn nên WTI hầu hết cũng chỉ được tiêu thụ tại Mỹ.
Dầu Dubai/Oman là nhóm dầu được khai thác từ các nước vùng Trung Cận Đông, và được sử dụng làm chuẩn cho các loại dầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là loại dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn so với Brent hay WTI, và cũng là giá dầu áp dụng cho Singapore.
Trong số các nhà cung ứng, OPEC và Nga là những ông vua dầu mỏ , bởi nắm trong tay trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Đặc điểm dầu của OPEC là khá đa dạng do khai thác từ nhiều quốc gia, bao gồm cả dầu nặng và dầu nhẹ, tạo cho nhóm này ưu thế vượt trội hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh khác. Giỏ giá dầu OPEC được lấy theo giá dầu trung bình hàng ngày của các quốc gia thuộc khối.
Việt Nam nhập khẩu các chế phẩm xăng dầu từ nguồn chính là Singapore. Trong khi đó, 2/3 lượng dầu nhập khẩu vào Singapore là từ các nguồn UAE, Ả-rập Xê-út và Qatar, với khoảng 950.000 thùng mỗi ngày. Đất nước này cũng có sản lượng lọc hóa lên tới 1,5 triệu thùng một ngày. Do đó, dù là quốc gia không có sẵn nguồn dầu thô nội địa, nhưng Singapore lại là nước xuất khẩu chế phẩm dầu lớn tại ASEAN.
Theo thông tin từ OPEC, giá dầu hôm nay (19/4) của nhóm nước này ở mức 36,58 USD một thùng, giảm khoảng 1,5 USD từ mức 38,05 USD một thùng vào phiên chốt ngày thứ 6 tuần trước. Đây là kết quả từ sự thất bại của cuộc đàm phán giữa 28 quốc gia thuộc OPEC vào cuối tuần trước, khi các nước không tìm được tiếng nói chung về sản lượng dầu khai thác, khiến nguy cơ thừa cung trở nên hiện hữu.