Doanh nghiệp than bị làm khó vì phải gõ nhiều “cửa”

Khi thực hiện kiểm tra chuyên ngành, các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải đến 2 “cửa”. Nếu thức ăn cho cá thì phải đăng ký với Tổng cục Thủy sản, còn nếu là thức ăn cho gia súc thì đăng ký với Cục Thú y.

bến thủy nội địa

Đó là phản ánh của đại diện doanh nghiệp tại Hội thảo “Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng – Thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam” do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap).
Ông Đào Huy Giám – Tổng thư ký VPSF cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi hóa thương mại để hội nhập khu vực, quốc tế.
Tuy nhiên, theo Tổng thư ký VPSF, trong thực tiễn, vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch thương mại của doanh nghiệp cần phải được nghiên cứu, xem xét tháo gỡ.
“Có như vậy mới tạo động lực thực sự cho phát triển kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập của doanh nghiệp và tăng sức thu hút đầu tư cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, ông Giám nhấn mạnh.
Trong các lĩnh vực này, vấn đề kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp còn “bận tậm”. Ông Giám cho rằng, đây là một mảng chuyên môn đa ngành, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp trôi chảy của nhiều cơ quan quản lí.
“Tuy nhiên ở lĩnh vực này nhiều cơ quan quản lí đang lúng túng, doanh nghiệp gặp nhiều ách tắc, hiệu quả kinh doanh bị kiềm chế nghiêm trọng”, ông Giám nhận định.
Cũng quan tâm về vấn đề này, ông Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nhập một mặt hàng nhưng lại phải đăng ký chuyên ngành ở nhiều nơi.
“Có trường hợp, cơ quan kiểm tra chuyên ngành lại không thừa nhận kết quả của nhau. Điều này buộc doanh nghiệp phải kiểm tra lại gây tốn kém chi phí, thời gian của doanh nghiệp”, ông Thành phản ánh.
Ông Thành lấy dẫn chứng, các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải đến 2 “cửa”. Nếu thức ăn cho cá thì phải đăng ký kiểm tra chuyên ngành với Tổng cục Thủy sản, còn nếu là thức ăn cho gia súc thì đăng ký với Cục Thú y.
“Quyết tâm của các bộ ngành cao, nhiều thủ tục được cải cách, cải thiện đáng kể tuy nhiên nhiều vấn đề cơ bản vẫn còn tồn tại”, ông Thành kiến nghị cần tập hợp lại theo cơ chế “một cửa” theo đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Ngô Minh Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cho biết, trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thì ngành hải quan chịu trách nhiệm 28%.
Theo thông tin từ Ngân hàng Thế giới mới đây, phần liên quan đến thủ tục hải quan đã giảm xuống 20%.
Ông Hải cho biết, văn bản quy phạm pháp luật về hải quan rất nhiều, phạm vi điều chỉnh rộng. Tính đến ngày 30/11/2016, có 362 văn bản nhưng đến giờ lại có xu hướng tăng lên. Đầu tháng 4 này, Tổng cục Hải quan sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các văn bản.
Đề cập đến một số bất cập liên quan đến hoạt động kiểm tra hải quan, ông Hải cho biết là một phần do máy móc, thiết bị thiếu nên ko kiểm tra chuyên ngành được ngay ở cửa khẩu.
“Ngoài ra, có mặt hàng chịu quản lý của nhiều bộ, ngay trong 1 bộ lại chịu sự quản lý của nhiều đơn vị khác nhau”, ông Hải nói.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Hải cho rằng cần thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành, chuyển thời điểm kiểm tra chuyên gia tại giai đoạn thông quan sang kiểm tra sau thông quan.

“Cũng cần đẩy mạnh áp dụng thông lệ quốc tế như công nhận lẫn nhau; chủ động công nhận chất lượng của những nhãn hiệu, sản xuất nổi tiếng…”, ông Hải nói.
Ngoài vấn đề kiểm tra chuyên ngành, tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp cũng đề cập đến vấn đề khá “nóng” hiện nay đó là câu chuyện thu phí cảng biển ở Hải Phòng. Đại diện Hiệp hội chủ hàng Việt Nam cho rằng họ chưa quan tâm mức giá cao hay thấp, điều họ quan tâm là việc thu phí đó có đúng hay không?

N.MẠNH