Hiện có khoảng 1300 DN dịch vụ logistics. Trong đó, vốn điều lệ bình quân của các DN hiện khoảng 4 – 6 tỷ đồng, cao hơn từ 3 – 4 lần so với trước năm 2007.
Là ngành dịch vụ có nội hàm hoạt động rất rộng, gồm cả sản xuất và lưu thông hàng hóa, nên việc định hình rõ chính sách phát triển nhằm thúc đẩy DN là cần thiết. Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), vấn đề định vị logistics trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt nam còn khá mơ hồ và chưa có chính sách phát triển.
Theo khảo sát do Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), hiện có khoảng 1300 DN dịch vụ logistics. Trong đó, vốn điều lệ bình quân của các DN hiện khoảng 4 – 6 tỷ đồng, cao hơn từ 3 – 4 lần so với trước năm 2007.
70% làm ăn có lãi – Ngành tiềm năng
Cụ thể, DN vừa và nhỏ (quy mô vốn dưới 20 tỷ đồng) chiếm khoảng 72%, còn lại là doanh nghiệp lớn có quy mô vốn trên 20 tỷ. Số DN làmdịch vụ logistics tích hợp/3PL phát triển những năm gần đây và chiếm khoảng 15-20%.
Số lượng lao động bình quân tại DN logistics vừa và nhỏ khoảng 30-40 lao động và các doanh nghiệp lớn có từ 100 lao động trở lên. Trong đó, chỉ khoảng 5-7% số lao động là có đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, số lao động còn lại từ nhiều nguồn và 85% doanh nghiệp tự đào tạo nguồn nhân lực.
Bình luận về những con số trên, TS. Lịch cho rằng trong trong điều kiện kinh tế khó khăn, các DN ngành khác thua lỗ, ngưng hoạt động thì có đến 80% DN logistics kinh doanh đạt và vượt kế hoạch, 70% DN làm ăn có lãi theo khảo sát của VLA, cho thấy đây là ngành có nhiều tiềm năng phát triển.
“DN logistics Viêt Nam dù còn khá non trẻ, nhưng phát triển nhanh, đi từ các hoạt động truyền thống như vận chuyển, kho bãi.. và đang phát triển các dịch vụ tích hợp, có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Song hiện DN Việt Nam đang chiếm thị phần nhỏ, phải chăng là do thiếu chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay quy luật khách quan của thị trường và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có độ mở lớn?” – TS. Lịch đặt câu hỏi.
Cũng theo khảo sát của VLA, có tới gần 70% DN logistics Việt Nam không có tài sản và chỉ 16% đầu tư trang thiết bị, phương tiện vận tải; 4% đầu tư vào kho bãi, cảng… còn lại phải thuê ngoài.
Ông Đào Xuân Quang, Chủ tịch VLA cho rằng ngành logistics đã bước đầu phát triển, các dịch vụ có giá trị gia tăng, song năng lực không đồng đều, còn thiếu chuyên nghiệp , dịch vụ đơn giản rời rạc, hoạt động logistics còn phân tán thiếu kết nối nên chưa thuyết phục được chủ hàng nâng cao thuê ngoài logistics.
Thu hút đầu tư công tư để phát triển ngành
Hiện nay nhiều tập đoàn sản xuất nhành công nghiệp chế biến của nước ta đều tổ chức những công cty con làm dịch vụ logistics mang tính chuyên nghiệp không kém các doanh nghiệp logistics độc lập.
Do đó, TS. Lịch cho rằng cần đánh giá dịch vụ logistics là ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, mà Việt Nam có lợi thế phát triển. Theo đó, cần phải định vị logistics trong cơ cấu nền kinh tế để qua đó xác định đây là nhóm ngành dịch vụ cầu ưu tiên quy hoạch phát triển dài hạn; gắn với chiến lược kinh tế biển; gắn với đặc điểm của nền kinh tế có độ mở lớn; hướng tới mục tiêu tăng thị phần trong thị trường logistics khu vực AEC, Đông-Bắc Á, hướng tới thị trường khu vực TPP.
Bên cạnh đó, cần thực nhiện mô hình công – tư đối tác (PPP) nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân hạ tầng cho phát triển dịch vụ logistics, như: Hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với cảng biển, cảng hàng không; Phát triển vận tải biển nội địa; Ưu tiên quỹ đất để phát triển kho bãi, cảng cạn; Thay mô hình quốc doanh bằng mô hình PPP trong phát triển các phương tiện vận tải biển;
Đồng thời, rà soát lại toàn bộ các quy định của pháp luật liên quan đến dịch vụ logistics nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ logistics hoạt động thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, phủ hợp với chuẩn mực của quốc tế.
Đối với DN logistics, TS. Lịch cho rằng tùy theo từng loại hình dịch vụ logistics, các DN cần liên kết phát triển theo thế mạnh. Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng phụ trợ, thực hiện các hình thức outsoursing trong cung ứng dịch vụ logistics; đồng thời hợp tác để trở thành các DN “logistics tự cung cấp”, tức là DN sở hữu phương tiện vận tải, nhà xưởng, kho bãi, thiết bị xếp dỡ và tất cả các nguồn lực khác để thực hiện dịch vụ logistics.