Hàng loạt những khó khăn của doanh nghiệp dệt may đang được Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết, trong đó có việc bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm trong sản phẩm dệt may.
Bộ Công Thương đã có công văn trình Thủ tướng về việc giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) về đề xuất giải quyết khó khăn.
Theo đó với một số kiến nghị thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương đã được Bộ này giải quyết, một số kiến nghị liên quan đến các bộ, ngành khác cần xem xét giải quyết, Bộ Công Thương đã có ý kiến phối hợp giải quyết.
Cụ thể, với kiến nghị điều chỉnh hướng dẫn chính xác để trong quá trình thực hiện kiểm tra đảm bảo lô vải mẫu không bị kiểm tra formaldehyt, amin thơm bởi hiện tại chi phí giám định hàm lượng formaldehyt vẫn còn tốn kém và mất thời gian, Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư bãi bỏ Thông tư 37 và triển khai xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm dệt may. Dự kiến, quy chuẩn sẽ ban hành vào đầu năm 2017.
Về kiến nghị điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dệt may, Bộ Công Thương có kế hoạch sẽ điều chỉnh quy hoạch phát triển gành công nghiệp dệt may Việt Nam vào năm 2017 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Được biết, Vitas cũng kiến nghị quy hoạch và cáp phép khu công nghiệp dệt may lớn từ 500-1.000ha, hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào các Trung tâm xử lý nước thải tại khu công nghiệp.
Theo ý kiến của Bộ Công Thương, hiện ngành dệt may đang hạn chế về năng lực dệt nhuộm, hoàn tất do khó khăn về vốn đầu tư cho công nghệ dệt nhuộm, xử lý nước thải. Tuy nhiên, để hình thành các khu công nghiệp dệt may với những chính sách hỗ trợ, cần nghiên cứu cụ thể nhiều nội dung.
Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị, cần có Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các quy định của Nhà nước về phát triển khu công nghiệp, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết.
Thủ tục gia công xuất khẩu quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài theo quy định tại Thông tư 49/2015/TT-BCT, theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Vitas, hàng gia công cho nước ngoài số lượng lớn nhưng trong Thông tư 49 quy định phải chỉ rõ ai là người sử dụng cái đó. “Quy định này là “đánh đố” nhau bởi dệt may Việt Nam chủ yếu làm gia công qua khách hàng trung gian chứ không phải làm trực tiếp”, ông Cẩm nói.
Giải trình về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã trao đổi với Bộ Quốc phòng, thống nhất báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện.
Theo đề nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương và gaio Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan hướng dẫn thủ tục, quy định thực hiện cụ thể, đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định và không ảnh hưởng đến an ninh, đối ngoại. Sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 49.
Bộ Công Thương cũng dẫn Luật Đầu tư quy định “kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang” là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, theo đó các điều kiện sản xuất gia công quân phục đã được thể hiện tại Nghị định 77/2016/NĐ-CP.
Như vậy, hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu hàng quân phục cho nước ngoài từ bị cấm thực hiện thành hoạt động được phép thực hiện, không phải Bộ Công Thương đưa ra quy định “trói buộc” hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đây là mặt hàng nhạy cảm, để thự chiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đề xuất Bộ Quốc phòng quy định đưa ra các điều khoản mang tính chất quản lý để tránh những vấn đề phức tạp có thể nảy sinh trong quan hệ quốc tế liên quan đến đối ngoại và an ninh quốc phòng.
Cũng tại công văn này, những kiến nghị về quy định kiểm dịch động thực vật đối với lông vũ/gia cầm (đã qua xử lý) có đầy đủ kiểm dịch động vật và C/O từ phía khác hàng; quy định đóng 2% phí công đoàn….. Bộ Công Thương cũng đã nghe và kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ ngành có liên quan cùng nhau xem xét giải quyết vì không thuộc thẩm quyền của bộ Công Thương.