Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm nay dự kiến đạt con số 7,3 tỷ USD và trong năm tới xuất khẩu mặt hàng này cũng khá khả quan khi kim ngạch thậm chí có thể đạt 8 tỷ USD.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo “Ngành công nghiệp chế biến gỗ mở rộng cơ hội xuất khẩu” diễn ra sang 4-10 ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, ngành gỗ có sự tăng trưởng khá khả quan ở mức 15-20%/năm.
Nếu như năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức 6,9 tỷ USD thì dự kiến cả năm nay số này có thể đạt tới 7,3 tỷ USD. Thậm chí, trong năm 2017, dự kiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có thể cán mốc 8 tỷ USD. Hiện nhu cầu sử dụng gỗ và sản phẩm gỗ của thị trường thế giới rất rộng lớn, không dưới 240 tỷ USD/năm, riêng thị trường Mỹ không dưới 30 tỷ USD/năm, thị trường EU không dưới 85 tỷ USD/năm. Vấn đề là làm thế nào để Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường tốt hơn.
Cũng theo ông Quyền, gỗ Việt hiện đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng gỗ xuất khẩu chủ yếu bán được giá FOB (là giá tại cửa khẩu của bên xuất. Giá này chưa bao gồm chi phí bảo hiểm và vận chuyển hàng hoá tới cảng của bên nhập) chứ chưa bán được giá CIF (là giá tại cửa khẩu của bên nhập. Giá này đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá tới cửa khẩu của bên nhập… Giá FOB rẻ hơn nhiều lần so với bán theo giá CIF. Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp trăn trở. Muốn khắc phục điều này khá gian nan bởi doanh nghiệp phải nâng cao sự chuyên nghiệp, hiểu rành rọt thương mại quốc tế, giải trình tất cả các yêu cầu của phía nhập khẩu…
Đề cập tới tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Việt Nam-EU, Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-Nhật Bản, đặc biệt là việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… tới ngành gỗ, ông Quyền cho rằng: Trong các hiệp định song phương và đa phương như TPP có lộ trình cam kết giảm thuế nhưng bản thân ngành gỗ Việt Nam từ 2006 đến nay, thuế xuất khẩu bằng 0%, thuế nhập khẩu nguyên liệu bằng 0% nên sự tác động không lớn. Các rào cản phi thuế quan cũng không gây nhiều khó khăn cho ngành gỗ.
Ngoài ra, thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách cho ngành gỗ khá thông thoáng, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu hoạt động thuận lợi. Tất cả các yếu tố này góp phần mở rộng cơ hội xuất khẩu cho toàn ngành.
Đồng tình với quan điểm của ông Quyền, xung quanh câu chuyện xuất khẩu gỗ, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends nhận định: Mỹ và Nhật Bản hiện là thành viên của TPP nên các doanh nghiệp cần thúc đẩy xuất khẩu vào hai thị trường này. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế mặt hàng gỗ của Việt Nam trên thế giới.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay các doanh nghiệp cần lưu ý là sử dụng gỗ nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là các loại gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, khu vực rừng nhiệt đới….
“Muốn loại bỏ rủi ro trong nguồn gốc gỗ nguyên liệu, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp cũng cần có sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng gỗ và cơ quan quản lý Nhà nước. Một trong những mảng chính sách cần phát triển là cập nhật thông tin thị trường cho các doanh nghiệp về những loại hình rủi ro, trong đó có những rủi ro về những loại gỗ nhập khẩu làm nguyên liệu”, ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Quyền bổ sung thêm: Thời gian tới, để có thể tận dụng những cơ hội trong hội nhập, thúc đẩy xuất khẩu gỗ, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ còn khá nhiều việc phải làm.
Một trong những khâu quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực, bởi nguồn nhân lực hiện khá hạn chế. Ở Việt Nam hầu hết chưa có trường đào cạo công nhân lành nghề cho ngành gỗ. Điều này dẫn tới tình trạng tính chuyên nghiệp của công nhân ngành gỗ còn yếu, gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng và gián tiếp tác động tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp…
Theo Bộ NN&PTNT: Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 9 tháng đầu năm đạt 4,9 tỷ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015. Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm chiếm 68,8% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Hàn Quốc (18%), Anh (12,4%), Trung Quốc (11,3%) và Australia (9%). |