Thách thức trong quản trị cung ứng, vận tải và logistics ngành nông nghiệp

Các chuyên gia của CEL Consulting vừa đưa ra một số nhận định về thách thức trong quản trị cung ứng, vận tải và logistics ngành nông nghiệp.

nongnghiepgffp

Theo báo cáo mới nhất về chuỗi cung ứng nông sản của Ngân hàng Thế giới tiết lộ một vài chỉ số đáng quan tâm đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trên thang điểm 100, Việt Nam hiện đạt 55,7 điểm trên phương diện hoạt động chuỗi cung ứng, 60,6 điểm trên phương diện quản lý chất lượng sản phẩm và 48,4 điểm trên phương diện thương mại kinh doanh nông sản. So với Philippines, Việt Nam trội hơn trên phương diện quản lý chất lượng nhưng lại kém hơn trên phương diện họat động chuỗi cung ứng và thương mại.

Việt Nam cũng có điểm số thương mại thấp hơn Campuchia và Lào. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp của Việt Nam vốn đã phát triển từ lâu đời và hiện chiếm khoảng 18-20% tổng sản phẩm quốc gia, những điểm số nói trên đặt ra một câu hỏi, đâu là nút thắt cổ chai của chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tỷ lệ tổn thất ngành nông nghiệp trung bình 25-30% theo báo cáo chính thức, trên thực tế có thể lên đến trên 40%. Trong đó, tổn thất trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ vận chuyển là một bài toán khó đối với chuỗi cung ứng nông sản. Theo báo cáo của Cục Chế biến, tỷ lệ tổn thất trung bình hiện nay là 25-30%. Tuy nhiên, đối với trái cây và rau quả, tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức độ tổn thất có thể lên đến 45%. Tương tự là 35% đối với các sản phẩm thủy hải sản. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương Thực và Nông Nghiệp (FAO) Liên Hiệp Quốc, 63% tổn thất đến từ quá trình thu hoạch, thu gom, vận chuyển, lưu trữ trên toàn chuỗi cung ứng.

Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tổn thất cao có thể kể đến mức độ cơ giới hóa thấp trong sản xuất nông nghiệp cũng như năng lực vận chuyển và vận hành chuỗi cung ứng lạnh. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới cho biết Việt Nam có chỉ số cơ giới hóa 24,4 điểm, tương đương với Lào, Campuchia và Myanmar nhưng kém Philippines 40 điểm. Nghiên cứu cũng cho thấy chỉ số vận tải nghành nông nghiệp của Philippines và Lào cao hơn Việt Nam từ 10-15 điểm.

Về vấn đề chuỗi cung ứng lạnh, ông Julien Brun, Tổng Giám Đốc công ty CEL Consulting cho biết đây là một chủ đề được quan tâm sâu sắc đối với ngành nông nghiệp và thực phẩm. Tính đến nay, Ngân hàng thế giới và Nhà nước Việt Nam đã đầu tư tổng cộng hơn 10 tỷ USD để phát triển chuỗi cung ứng lạnh nhằm giảm tổn thất và nâng cao chất lượng thực phẩm bán ra trên thị trường. Hiện nay, logistics của ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều những bên thu mua, vận chuyển và các cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Những đơn vị này thường thiếu những trang thiết bị, cơ sở vật chất để vận hành chuỗi cung ứng lạnh hiệu quả dẫn đến tổn thất về cả lượng và chất.

Thiếu những quy định giúp gỡ bỏ những rào cản trong vận tải xuyên biên giới 

Việt Nam thuộc vào nhóm nước mà hoạt động vận tải quốc tế còn chưa được tối ưu hóa. So giữa Việt Nam và người láng giềng Campuchia, mặc dù chỉ số vận tải tổng thể được đánh giá tương tương, chỉ số vận tải quốc tế của Việt Nam lại chỉ bằng một nửa của Campuchia Và Philippines. Với vai trò một quốc gia xuất khẩu nông nghiệp mạnh, những hạn chế trong vấn đề vận tải quốc tế sẽ có thể ảnh hưởng tới năng lực thương mại của Việt Nam. Nghiên cứu cũng cho thấy vận tải quốc tế là một trong những yếu tố chủ chốt giúp nâng cao năng lực thương mại nông nghiệp của quốc gia vì đây là mặt hàng dễ hư hỏng có tuổi đời ngắn và tiêu chí đánh giá khắt khe.

Theo các chuyên gia, ngành lương thực Việt Nam cần tập trung cải thiện chuỗi cung ứng lạnh để nâng cao chất lượng không chỉ của sản phẩm suất khẩu mà còn của sản phẩm tiêu thụ trong nước. Mặc dù trong vòng 10 năm qua, quy mô kho lưu trữ lạnh tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, nhựng lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam nhằm phục vụ hàng thủy hải sản xuất khẩu.

Ông Julien Brun cho rằng, chuỗi cung ứng lạnh cho lương thực đầu ra thị trường nội địa tại hệ thống nhà hàng và siêu thị trong nước vẫn còn rất hạn chế. Đa phần các doanh nghiệp hoạt động trong chuổi cung ứng lạnh là doanh nghiệp trong nước (48%) với quy mô nhỏ lẻ. Chính vì đặc điểm này mà hoạt động của chuỗi thường sẽ bị phân khúc trên từng giai đoạn thay vì vận hành một cách xuyên suốt, và thiếu những hoạt động đem lại giá trị cao.

Các bên sản xuất nông phẩm, phân phối nông sản, các chuỗi nhà hàng và siêu thị cần hợp tác một cách chặt chẽ hơn với các bên dịch vụ chuỗi cung ứng lạnh tập trung vào các tiêu chí giá trị, chất lượng và mức độ xuyên suốt trên toàn chuỗi. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ thường đưa ra giá thành thấp nhưng lại thiếu những tiêu chí kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và vì thế thường có độ tổn thất cao hơn.

Việc lựa chọn bên logistics giá thấp thường sẽ phản tác dụng tiết kiệm chi phí. Ngoài hư hỏng, nhiểm bẩn trong quá trình vận chuyển gây hao hụt, sản phẩm còn bị rút ngắn tuổi thọ. Đây là một trong những chi phí tiềm ẩn mà các doanh nghiệp có thể chưa tính toán được. Việc hạn sử dụng bị rút ngắn do quá trình vận chuyển và bảo quản không tốt là một yếu tố mà các doanh nghiệp cần cân nhắc khi chọn lựa giữa dịch vụ logistics giá rẻ và dịch vụ logistics xuyên suốt và giá trị cao.

Lê Thu