Quy định về quản lý hàng tạm nhập tái xuất còn chồng chéo

Tham gia ý kiến đánh giá về tình hình thực hiện Thông tư 05/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cho rằng, nhiều quy định liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX) còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tế.

Hoạt động XNK tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). (Ảnh: HỮU LINH)

Cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan

Theo Bộ Tài chính, tại thời điểm ban hành Thông tư 05/2014/TT-BCT với các quy định về điều kiện kinh doanh cụ thể, rõ ràng, danh mục hàng hóa kinh doanh TNTX có điều kiện, việc lựa chọn DN được phép tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới cũng như quy định cụ thể về cửa khẩu tái xuất hàng hóa đã tạo hành lang pháp lý cụ thể, thuận lợi cho cả cơ quan quản lý nhà nước và các DN cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh TNTX. Tuy nhiên, Thông tư 05/2014/TT-BCT cũng bộc lộ nhiều vướng mắc gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan Hải quan.

Về thẩm quyền giải tỏa hàng hóa TNTX ách tắc tại các cảng, cửa khẩu, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư 05/2014/TT-BCT thì DN có trách nhiệm “giải tỏa hàng thực phẩm đông lạnh tại cảng, cửa khẩu về kho, bãi của mình theo yêu cầu của Bộ Công Thương trong trường hợp có ách tắc”. Theo đó, thẩm quyền giải tỏa hàng thực phẩm đông lạnh tại các cảng biển, cửa khẩu để tránh ách tắc, tồn đọng thuộc về Bộ Công Thương. Song, theo quy định về chính sách quản lý đối với hàng TNTX và thủ tục hải quan thì cơ quan Hải quan có trách nhiệm giảm sát hàng hóa từ khi tạm nhập đến khi xuất hết khỏi lãnh thổ Việt Nam. Do vậy việc quy định giao thẩm quyền Bộ Công Thương chỉ đạo giải tỏa hàng hóa khi có ách tắc sẽ dẫn đến việc cơ quan Hải quan bị động trong công tác giám sát hải quan; đặc biệt là đối với các trường hợp kho bãi của DN thuộc địa bàn khác với địa bàn quản lý của Cục Hải quan chịu trách nhiệm giám sát hàng hóa.

Về việc lựa chọn thương nhân XNK hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở, quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg nêu UBND tỉnh biên giới chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương lựa chọn thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 05/2014/TT-BCT thì “UBND tỉnh biên giới trao đổi với Bộ Công Thương về nguyên tắc lựa chọn DN được phép tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan theo quy định tại khoản 2 Điều này và công bố danh sách DN được lựa chọn”. Như vậy, trường hợp DN tham gia hoạt động kinh doanh TNTX có nhu cầu tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan thì phải thực hiện đồng thời hai thủ tục đăng ký, lựa chọn và công bố theo 2 văn bản trên.

Bên cạnh đó, Thông tư 05/2014/TT-BCT nêu trách nhiệm của cơ quan Hải quan trong việc cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương: “Định kỳ hàng tháng cung cấp cho Bộ Công Thương các thông tin sau để điều tiết hàng hóa và có biện pháp xử lý kịp thời; Thông báo cho Bộ Công Thương trường hợp DN vi phạm các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa”. Theo Bộ Tài chính, việc quản lý và cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa cũng như thông tin về xử lý vi phạm trong lĩnh vực hải quan phải thực hiện theo quy định tại Điều 106 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, các văn bản hiện hành và các quy chế phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa Tổng cục Hải quan và các đơn vị có liên quan. Việc quy định cơ quan Hải quan phải cung cấp thông tin theo định kỳ hàng tháng dẫn đến tăng khối lượng công việc không nhỏ cho cơ quan Hải quan. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Thông tư 05/2014/TT-BCT thì các DN tham gia hoạt động kinh doanh TNTX nhóm hàng hóa có điều kiện đã phải thực hiện định kỳ hàng tháng báo cáo trực tiếp cho Cục XNK-Bộ Công Thương, nên Bộ Công Thương đã có đủ cơ sở để nắm thông tin về hoạt động TNTX hàng tháng. Quy định này nên được điều chỉnh theo hướng “Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, số liệu thống kê về hoạt động kinh doanh TNTX khi Bộ Công Thương có yêu cầu bằng văn bản”.

Về cửa khẩu tái xuất hàng hóa, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Điều 5 Thông tư 05/2014/TT-BCT thì các cửa khẩu phụ, điểm thông quan tái xuất hàng hóa do UBND tỉnh biên giới công bố sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, UBND các tỉnh biên giới đã ban hành Quyết định công bố các cửa khẩu phụ, điểm thông quan được tái xuất hàng hóa. Tuy nhiên, đến nay chưa có đầu mối chủ trì tổng hợp công bố tổng thể các cửa khẩu phụ, điểm thông quan được tái xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, một số UBND tỉnh biên giới còn giới hạn thời gian được tái xuất hàng hóa và lượng hàng hóa được tái xuất qua các cửa khẩu, dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan Hải quan và DN khi làm thủ tục và lên kế hoạch kinh doanh.

Đảm bảo hoạt động TNTX đúng bản chất loại hình

Để khắc phục những vấn đề tồn tại hiện nay liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh hàng TNTX, Bộ Tài chính cho rằng, để đảm bảo việc giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh TNTX bị ùn tắc tại các cảng, cửa khẩu, Bộ Công Thương cần xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 15 Thông tư 05/2014/TT-BCT theo hướng giao cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm chỉ đạo và thực hiện việc giải tỏa hàng hóa khi xảy ra tình trạng ùn tắc tại các cảng, cửa khẩu.

Tránh chồng chéo nội dung quy định về việc lựa chọn thương nhân thực hiện hoạt động XNK hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở giữa Thông tư 05/2014/TT-BCT và Quyết định 52/2015/QĐ-TTg, đồng thời nhằm đảm bảo thực hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Bộ Công Thương nên bỏ nội dung quy định về việc lựa chọn DN được tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ, điểm thông quan tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 05/2014/TT-BCT.

Về cửa khẩu tái xuất hàng hóa, Bộ Công Thương tổng hợp, hệ thống lại các cửa khẩu phụ, lối mở và các DN được phép tái xuất để thống nhất thực hiện và tránh việc bỏ sót trong quản lý; đồng thời yêu cầu các tỉnh biên giới phải có đầu mối theo dõi, thống kê tái xuất hàng hóa của DN trong trường hợp UBND tỉnh đó có quy định khác về thời gian tái xuất và lượng hàng hóa được tái xuất qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan. Bộ Tài chính cũng cho rằng việc quy định khác về thời gian và lượng hàng hóa tái xuất cần hạn chế vì gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan có liên quan và kế hoạch kinh doanh của DN. Trường hợp cửa khẩu phụ, điểm thông quan chưa đáp ứng các điều kiện để tái xuất hàng hóa thì cần đưa ra khỏi danh sách các cửa khẩu được tái xuất hàng hóa.

Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh TNTX theo đúng bản chất loại hình; đồng thời thể chế pháp luật được áp dụng chung trên toàn lãnh thổ, không chia vùng miền, theo Bộ Tài chính, cần nghiên cứu hạn chế việc quy định áp dụng chính sách quản lý theo vùng miền như tại Thông tư 05/2014/TT-BCT hiện hành và đưa hoạt động kinh doanh TNTX theo đúng bản chất loại hình; đồng thời nghiên cứu quy định loại hình thương mại phù hợp với trường hợp DN chỉ cung ứng dịch vụ vận chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam sang nước thứ ba để hưởng phí dịch vụ, hoa hồng (quá cảnh, trung chuyển, dịch vụ XNK…).

Ngọc Linh