(HQ Online)- Tiết kiệm thời gian, chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hạn chế tiếp xúc với cơ quan có thẩm quyền về cấp C/O… là những ưu điểm mà cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX) hàng hóa mang lại cho DN. Tuy vậy, đây mới chỉ là giai đoạn thí điểm và chỉ một số ít DN được trao quyền tự quyết này.
DN có quan tâm
Tiêu chí để lựa chọn DN tham gia thí điểm TCNXX gồm: Là nhà sản xuất đồng thời là người XK hàng hóa do chính thương nhân sản xuất; không vi phạm quy định về xuất xứ trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký; kim ngạch XK đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD; có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp. Với cơ chế này, DN sẽ chủ động đứng ra tự chứng nhận cho lô hàng của họ khi đủ điều kiện xuất sang nước khác, hay nói cách khác là được trao quyền TCNXX. |
Từ đầu tháng 10, Việt Nam thí điểm áp dụng cơ chế TCNXX hàng hóa cho các DN khi XK sang
Có đến 3 học viên tham gia khóa đào tạo TCNXX hàng hóa đầu tiên do Bộ Công Thương tổ chức ở Hà Nội cho thấy sự quan tâm của Công ty XNK Hà Phong- Hải Phòng (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, XK hàng may mặc) đến cơ chế TCNXX này. Mỗi năm, DN này XK sang Thái Lan lượng hàng trị giá kim ngạch khoảng 4 triệu USD. Con số này dù chưa nhiều nhưng ông Trần Đức Thọ, Phòng XNK, Công ty XNK Hà Phong nhìn nhận, nếu thực hiện theo cơ chế này sẽ tạo thuận lợi cho DN về mọi mặt thủ tục, giấy tờ, khả năng DN đảm bảo C/O sản phẩm do mình làm ra.
Còn theo ông Nguyễn Gia Huy, quản lý XK, Công ty TNHH Pantos Logistics, thuận lợi lớn nhất của cơ chế TCNXX là cải thiện thủ tục hành chính giúp DN rút ngắn thời gian, chi phí, bởi DN thường ở khu công nghiệp xa trung tâm thành phố nếu trực tiếp đi nộp hồ sơ kéo dài thời gian. “Nếu phải chuẩn bị chứng từ gốc, bản cứng hiện tại chúng tôi phải thỏa thuận với khách hàng sau 2 ngày kể từ ngày tàu đi mới có thể cung cấp C/O. Sau khi thực hiện theo Thông tư 28 thì việc cung cấp C/O khi XK sang Thái Lan, Philippines có thể rút xuống còn 1 ngày hoặc trong ngày”, ông Huy cho hay.
Mới chỉ là thí điểm
Mặc dù đều nhìn thấy mặt thuận lợi của cơ chế TCNXX nhưng phía DN vẫn tỏ ra lo lắng khi áp dụng cơ chế này. Bởi lẽ, trách nhiệm của DN sau khi thông quan hàng hóa sẽ lớn hơn. Khi được hỏi “DN có tự tin được trao quyền không?”, ông Nguyễn Gia Huy cho biết: “Thực sự là DN chưa tự tin do chưa có chứng chỉ, quan trọng hơn là chưa thực hiện bao giờ. Phải thực hiện một thời gian thì mới biết tự tin hay không!”.
Cùng chung nhận định trên, ông Trần Đức Thọ cho biết, trao quyền cho DN là tốt nhưng DN phải đảm bảo lô hàng hóa mình xuất đi và chịu trách nhiệm sau khi thông quan cho tất cả hàng hóa đó. Do vậy, sự chuẩn bị của Công ty XNK Hà Phong khi thực hiện cơ chế này là chuẩn bị kỹ về nguồn gốc xuất xứ của nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Thái Lan (cần thiết sẽ yêu cầu nhà cung cấp nguyên liệu cung cấp C/O) để đáp ứng Thông tư 28. “Với sự chuẩn bị như vậy, nếu gặp phải khó khăn, vướng mắc sau khi hàng hóa đã thông quan thì DN sẽ thuận lợi hơn”, ông Thọ bày tỏ.
Tuy nhiên, theo bà Bùi Kim Thùy, tác động của Thông tư 28 với DN sẽ không nhiều bởi đây mới chỉ là giai đoạn thực hiện thí điểm, “làm nháp”. DN được cấp giấy chứng nhận TCNXX vẫn có thể mang hồ sơ đến Bộ Công Thương để xin C/O bình thường nếu DN cảm thấy không tự tin, sợ C/O tự cấp khi sang nước NK “vướng” không được hưởng ưu đãi thuế quan.
Trên thực tế, số lượng DN tham gia TCNXX trong các nước ASEAN hiện cũng không nhiều. “Có những DN được cấp giấy TCNXX vẫn quay trở lại xin C/O bởi họ không tự tin. Sự không tự tin nhiều khi không phải xuất phát từ DN mà họ sợ đi sang nước NK, vì một lý do nào đó không được ưu đãi”, bà Thùy nói. Còn ở Việt Nam, khi thực hiện thí điểm cơ chế TCNXX hàng hóa, từ các tiêu chí trong Thông tư 28, Bộ Công Thương sẽ xem xét để quyết định danh sách DN được tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa XK của mình, tuy nhiên ban đầu con số này sẽ không nhiều. “Những tiêu chí trong Thông tư 28 không phải do Bộ Công Thương đề ra mà do các nước ASEAN đề ra”, Bà Thùy cho hay.
Cung cấp thêm thông tin, bà Thùy cho biết, sau thời gian thực hiện thí điểm, các nước trong ASEAN sẽ ngồi lại với nhau để xem điều khoản nào tốt cho cả 2 dự án thì nhập vào làm 1 và thực hiện trên toàn khối ASEAN.
Dù mới ở giai đoạn thực hiện thí điểm nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia, để không bỡ ngỡ hay bị “sốc” trước một cơ chế được cho là khá mới ở Việt Nam (trong khi các nước trên thế giới đã thực hiện trên 40 năm), DN cần nắm vững quy trình sản xuất và quy định về quy tắc xuất xứ, có hệ thống lưu trữ chứng từ, xây dựng cơ sở dữ liệu…