Chịu sức ép của cạnh tranh, phải vươn lên, sẽ có nhiều doanh nghiệp GTVT trưởng thành hơn.
Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sẽ được tham gia kinh doanh trong lĩnh vực cảng biển vào cuối năm nay (Tàu lớn đang vào làm hàng tại Cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng) – Ảnh: CHP |
Xung quanh vấn đề hội nhập quốc tế, nhất là khi Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cơ hội của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp ngành GTVT ra nước ngoài rất rộng mở. Chịu sức ép của cạnh tranh, phải vươn lên, sẽ có nhiều doanh nghiệp GTVT trưởng thành hơn.
Hàng không, hàng hải, logistics sẽ cạnh tranh rất mạnh
Việt Nam đã mở cửa và hội nhập ngày càng sâu rộng, nhất là từ khi gia nhập WTO. Gần đây nhất, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này có tác động thế nào đối với các lĩnh vực và các doanh nghiệp ngành GTVT, thưa Thứ trưởng?
Những cam kết của Việt Nam trong hợp tác với khu vực, song phương, đa phương đều có tác động đến GTVT. Đơn cử, hiện nay, Việt Nam mới cho phép doanh nghiệp vận tải hàng không nước ngoài được đưa/đón khách quốc tế đến/đi từ một điểm duy nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ 31/12, khi tham gia Cộng đồng ASEAN gồm 10 thành viên với cam kết mở cửa bầu trời, thì doanh nghiệp nước ngoài có thể vận tải khách quốc tế giữa hai điểm trong một nước khác. Chẳng hạn, doanh nghiệp Singapore có thể chở khách đến điểm đến thứ nhất của Việt Nam, sau đó tiếp tục lấy khách ở điểm thứ 2 của Việt Nam rồi lại để vận chuyển hành khách bay sang quốc gia khác.
Hay về kinh doanh vận tải biển, logistics, Việt Nam có cam kết với ASEAN, WTO, tới đây là TPP, mỗi hiệp định có độ mở, lộ trình khác nhau. Với Cộng đồng ASEAN và TPP, Việt Nam có những cam kết mở cửa nhiều hơn. Từ cuối năm nay, Việt Nam mở cửa cảng biển cho ASEAN, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được vào kinh doanh logistics tại Việt Nam. Trong khi hiện tại, doanh nghiệp nước ngoài muốn kinh doanh dịch vụ bốc xếp container tại cảng biển Việt Nam phải thành lập liên doanh với doanh nghiệp nội và chỉ được giữ tối đa 49% vốn.
Như vậy là cạnh tranh ngay trong nước sẽ lớn hơn giữa doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài. Vậy, có những lĩnh vực GTVT nào Việt Nam giữ đặc quyền kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước?
Đặc quyền kinh doanh cho doanh nghiệp trong nước được bảo vệ đối với những hoạt động kinh doanh có liên quan đến an ninh quốc gia, hoạt động vận tải nội địa. Ví dụ, vận tải biển nội địa, vận tải hàng không nội địa hoàn toàn do doanh nghiệp trong nước thực hiện. Nguyên tắc này được giữ với hầu hết các nước.
Với những lĩnh vực có cam kết mở cửa, ngay trong nước, doanh nghiệp nội cũng sẽ phải cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Cạnh tranh sẽ diễn ra mạnh ở lĩnh vực vận tải. Hàng không, hàng hải, logistics là những ngành có cạnh tranh rất mạnh. Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, theo tôi, trước mắt mới tập trung thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trực tiếp. Khi cam kết mở cửa, lĩnh vực lao động cũng chịu tác động. Việt Nam vẫn xuất khẩu thuyền viên làm việc trên tàu nước ngoài và tới đây có thể có thuyền viên các nước được cung cấp cho các tàu biển của ta.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông |
Cơ hội mở cho cả doanh nghiệp ngoại và nội
Thứ trưởng đánh giá thế nào về cơ hội với các doanh nghiệp GTVT Việt Nam khi hội nhập?
Về nguyên tắc, các thỏa thuận, cam kết trong các Hiệp định có tính chất tương đối cân bằng nhau giữa các quốc gia. Họ vào được ta, ta cũng vào được họ, mở ra cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp. Tất cả những cam kết, yêu cầu đều đưa vào nội dung đàm phán, ký kết, có lộ trình cụ thể. Riêng với TPP, được mô tả là kiểu hiệp định “thế hệ mới”. Việt Nam còn “đóng” những lĩnh vực nào với doanh nghiệp nước ngoài, phải liệt kê rõ, còn lại nếu không liệt kê là “mở”.
“Cần phải nói, hội nhập có tác động hai chiều. Các doanh nghiệp GTVT sau cổ phần hóa vừa qua có sự tham gia của tư nhân, kể cả tư nhân ngoài nước. Các doanh nghiệp này đã được cơ cấu lại về vốn, quản trị, đầu tư công nghệ và đang trở nên mạnh hơn. Chịu sức ép của cạnh tranh, phải vươn lên, sẽ có nhiều doanh nghiệp trưởng thành hơn”.
Thứ trưởng Bộ GTVT |
Cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp ngành GTVT ra nước ngoài cũng rộng mở. Đơn cử với Thương quyền 5, doanh nghiệp vận tải hàng không của Việt Nam cũng được chở khách quốc tế giữa 2 điểm của một nước trong khu vực ASEAN. Hay các doanh nghiệp hàng hải có thể thực hiện cung cấp dịch vụ vận tải, logistics, cảng biển trong một quốc gia khác. Vấn đề đặt ra ở đây là anh nào mạnh hơn, quản lý tốt hơn, sẽ cạnh tranh tốt hơn.
Khối lượng hàng hóa trong nước sản xuất sẽ lớn hơn, cùng với vận chuyển, đối lưu giữa các nước đối tác tăng lên, được nhận định là cơ hội để mở rộng thị trường, sản lượng vận tải cho doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ với Hãng hàng không Jetstar, chính sách của hãng là phát triển hàng không giá rẻ, có thể tham gia cung cấp dịch vụ tại các nước như: Lào, Campuchia và các quốc gia khác. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển được dự kiến tăng mạnh. Doanh nghiệp cảng biển và hàng hải, biết xác định rõ lợi thế trong chuỗi cung ứng, có cơ hội tăng thị phần vận tải.
Thế còn khó khăn, thách thức là gì, thưa Thứ trưởng?
Khó khăn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam là khả năng quản lý ở quy mô toàn cầu, nhất là nguồn lực con người, khả năng tiếp cận tài chính. Còn các doanh nghiệp nước ngoài, ngay cả ở Đông Nam Á như: Singapore, Malaysia, Thái Lan… dù sao cũng có kinh nghiệm hơn, trường vốn hơn, sẽ có nhiều ưu thế trong cuộc cạnh tranh về giá.
Doanh nghiệp nước ngoài sẽ được kinh doanh một số lĩnh vực dịch vụ hàng không tại Việt Nam trong thời gian tới – Ảnh: Thùy Sinh |
Ngành GTVT sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể
Việt Nam luôn tận dụng mọi cơ hội để tham gia các hiệp định hợp tác kinh tế song phương và đa phương, đặc biệt đã rất nỗ lực để tham gia TPP. Theo Thứ trưởng, ngành GTVT tới đây phải chuẩn bị gì?
Các Hiệp định thương mại, đặc biệt TPP có nhiều thách thức mà Việt Nam phải vượt qua và chuyển đổi mạnh mẽ. Hiện TPP mới cam kết trên bàn đàm phán, mới được các chuyên gia thống nhất với nhau về nguyên tắc. Cam kết như vậy, song mỗi nước sau đó về phải có những điều chỉnh của mình cho tới khi ký kết, công bố chính thức.
TPP có những đòi hỏi cam kết về tính minh bạch, khách quan, phải rà soát các quy định pháp luật của mình xem đã đáp ứng được chưa. Khi đưa lên bàn cam kết luật của mình chưa phải đã tròn trịa cả, do đó phải điều chỉnh cho phù hợp, đặc biệt, trong việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý và kinh tế cho thể chế kinh tế thị trường. Kế hoạch cuối năm nay sẽ được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, các nước sẽ cùng công bố. Bộ Công thương hiện đang chủ trì xây dựng kế hoạch hành động tổng thể. Bộ GTVT đang theo sát tiến trình để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của mình.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Ông Ngô Chung Khanh, phó vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương:
Ngành GTVT sẽ thu hút nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài Khi Việt Nam tham gia TPP, ngành GTVT sẽ có những thuận lợi như thu hút được nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài hơn để thực hiện các dự án. Thị trường được mở rộng hơn, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ vận tải đặc biệt là ngành logistics tiếp tục phát triển, tạo điều kiện phát triển đồng bộ cho cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay. Bên cạnh những thuận lợi, ngành GTVT sẽ có những thách thức nhất định như đầu tư nước ngoài vào thì sẽ có cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt nhất là trong lĩnh vực logistics. Hiện tại những thách thức trên chúng ta đã và đang gặp phải. Ngoài ra, các mức nhân nhượng trong TPP đối với lĩnh vực GTVT không quá nhiều, không đi quá xa đối với WTO và đặc biệt phù hợp với chính sách hiện hành. Vì vậy, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực GTVT, logistics không nên quá lo lắng về cạnh tranh khi Việt Nam tham gia TPP. Huy Tuấn (Ghi) |
Phương Dung