TP – Nghịch lý này được PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM chỉ ra tại hội thảo “Giao thông vận tải TPHCM 40 năm – nhìn lại và hướng tới tương lai” diễn ra vào ngày 28/10.
Theo ông Hòa, từ năm 2000, TPHCM giảm tải cho khu vực trung tâm bằng cách chuyển hơn 5.000 nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm ra ngoại ô, hình thành các khu công nghiệp (KCN) lớn như Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Tân Tạo, Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), Linh Trung (quận Thủ Đức)…
Tuy nhiên, kế hoạch này lại gây hiệu ứng tiêu cực là người lao động đã không chuyển gia đình ra cư trú ở ngoại ô theo nhà máy mà lại sáng đi làm ở ngoại thành, chiều trở về nhà ở nội thành, việc di chuyển trên đường với thời gian lâu hơn, trên quãng đường xa hơn khiến tắc nghẽn giao thông thêm trầm trọng.
Một số KCN bị đặt sai vị trí khiến tình trạng giao thông tệ hơn như KCN Tân Bình đặt ngay trong nội thành, sát trục đường trung tâm khiến tuyến đường ra vào cửa ngõ Tây Bắc TPHCM bị tắc nghẽn trong các giờ cao điểm.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra khi TPHCM di dời các trường đại học ra ngoại thành. Trừ ĐH Ngân hàng chuyển hẳn ra Thủ Đức, hàng chục trường còn lại duy trì hai cơ sở đào tạo trong nội thành và ngoại ô khiến việc di chuyển trên đường của gần 600.000 sinh viên nhiều hơn, gây kẹt xe.
Việc xây dựng các khu dân cư mới ở phía Tây Bắc và phía Nam TPHCM nhằm giãn dân chỉ thu được kết quả hạn chế, một phần vì hạ tầng giao thông kém. Người dân không muốn chuyển ra bên ngoài vì ở khu vực trung tâm các dịch vụ giáo dục, y tế tốt hơn. Những gia đình khá giả mua đất làm nhà ở ngoại ô nhưng chủ yếu là cho thuê hoặc lui tới vào dịp cuối tuần.
“6 năm sau khi quy hoạch, các thành phố vệ tinh vẫn chưa ra đời. Từ trung tâm TPHCM lên khu đô thị Tây Bắc mất hơn hai tiếng nên không có nhà đầu tư nào mặn mà. Còn với Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) các nhà đầu tư cũng ngần ngại vì theo kịch bản biến đổi khí hậu thì khu vực này có nguy cơ bị ngập sâu, kế hoạch phát triển vùng đô thị nhiều trung tâm có nguy cơ phá sản” – PGS TS Nguyễn Minh Hòa nói.