Muốn tạo chuỗi cung ứng, phải có tập đoàn tư nhân hùng mạnh

(HQ Online)- Cấu trúc công nghiệp thế giới thay đổi cơ bản theo hướng đề cập đến chuỗi cung ứng. Muốn cạnh tranh, xuất khẩu bền vững sản phẩm công nghiệp trong thời hội nhập, Việt Nam phải tham gia vào chuỗi đó, đặc biệt là tự tạo ra chuỗi cung ứng của Việt Nam.

chuỗi cung ứng

Hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức thu hút hơn 200 đại biểu tham gia gồm chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp. Ảnh: Phan Thu.

Việt Nam- một mắt xích nhỏ

Báo cáo tại hội thảo “Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5-11 nêu rõ, nhiều năm qua, công nghiệp luôn khẳng định là ngành đầu tàu trong nền kinh tế nước ta với kim ngạch tăng trưởng đều đặn và giữ vị trí dẫn đầu trong tất cả các nhóm hàng xuất khẩu. 9 tháng đầu năm 2015, nhóm hàng công nghiệp chế biến đã chiếm đến 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Một số ngành như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, máy vi tính và linh kiện điện tử, phương tiện vận tải… có sự tăng trưởng đều và khá cao.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, để đạt được kết quả này là nhờ vào việc tham gia sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế tạo cơ hội mở rộng danh mục các mặt hàng có thể sản xuất và xuất khẩu.

Đặc biệt, nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, chủ yếu là vào lĩnh vực công nghiệp, cũng được xem như một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp.

Hiện nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo luôn thu hút được nhiều sự quan tâm với 10.344 dự án còn hiệu lực, chiếm 53,8% dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. “Đây chính là tiền đề phát triển ngành công nghiệp Việt Nam và động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp”, ông Hải khẳng định.

Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp cũng đang phải đối diện với một số yếu tố gây khó khăn cho xuất khẩu bền vững. Cụ thể, quá trình toàn cầu hóa, tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) làm gia tăng cạnh tranh với doanh nghiệp sản xuất nước ngoài.

Với phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm khắt khe hơn, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm sản xuất của các nước có lợi thế cạnh tranh vượt trội cũng như các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam do được hưởng lợi từ lộ trình cắt giảm thuế quan.

Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển khiến Việt Nam chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành công nghiệp lớn, giữ vai trò chủ đạo như dệt may, da giày, điện thoại di động, sản phẩm điện tử… có tỷ lệ gia công cao, chưa đem lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.

Cần những tập đoàn tư nhân hùng mạnh

Trên thực tế, thời kỳ tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào tài nguyên, giá nhân công rẻ của Việt Nam đã “hết thời”. Thời điểm này, Việt Nam muốn xuất khẩu bền vững phải “dựa hơi” vào việc tăng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp.

Song với những khó khăn đang tồn tại, liệu Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu mặt hàng này không? Một trong những mục tiêu của buổi hội thảo “Tăng trưởng bền vững xuất khẩu sản phẩm công nghiệp”  là tìm ra câu trả lời cho vấn đề này.

Giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra là tăng cường cường tuyên truyền các FTA đã ký kết; nghiên cứu các FTA mới để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam; quy hoạch và có chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao…

Tuy nhiên, đứng từ góc độ chuyên gia, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, trong quá trình hội nhập sâu rộng, thế giới “đối xử” với Việt Nam ở đẳng cấp cao bởi Việt Nam tham gia hội nhập với các nước đẳng cấp cao với những tiêu chuẩn cao như: Năng lực cơ bản là công nghệ cao, năng lực con người…

Do vậy, khi bàn nền tảng cho doanh nghiệp xuất khẩu vào “thế giới đó” phải bàn đến những yếu tố môi trường chung hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu như thế nào.

Chưa bàn đến những giải pháp mà Bộ Công Thương nêu ra, theo ông Thiên, môi trường cạnh tranh nhằm tạo ra sức “kích động” cho công nghệ để nâng cao năng suất của Việt Nam là rất yếu. Nếu không tháo gỡ được thì chúng ta có dùng biện pháp vi mô kiểu gì cũng khó có thể thúc đẩy năng lực cạnh tranh.

Mặt khác, cấu trúc công nghiệp thế giới thay đổi cơ bản theo hướng đề cập đến chuỗi cung ứng. “Muốn cạnh tranh, xuất khẩu bền vững phải tham gia chuỗi, không còn thời “mạnh ai người ấy chơi” nữa. Việt Nam thời gian qua đã kéo được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhưng không tạo được chuỗi, trong khi doanh nghiệp cơ bản là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không nối được vào chuỗi thì không thể cạnh tranh được”, ông Thiên nói.