Sự trưởng thành của thương mại hiện đại Việt Nam đã đến thời điểm bùng nổ, nên quá trình M&A bán lẻ sẽ bùng nổ theo. M&A là cách có được thị trường nhanh nhất và xâm nhập mạng lưới nhanh nhất, nên nếu doanh nghiệp chậm chân thì sẽ mất cơ hội.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) khi chia sẻ với chúng tôi về cơ hội của DN bán lẻ khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và ngành bán lẻ năm 2015 mở cửa hoàn toàn. Ông nhận định thế nào về sự phát triển của ngành trong những năm tới?
Cùng với việc tham gia Hiệp định thương mại thì việc giao thương hàng hóa không phải là câu chuyện của thị trường Việt Nam nữa mà là thị trường mở cho cả khu vực. Cho nên áp lực cạnh tranh đặt ra cho các DN bán lẻ rất là lớn.
Xu thế cạnh tranh không dừng lại ở việc nhà bán lẻ nước ngoài vào đầu tư, tìm kiếm vị trí đất đai, mặt bằng để phát triển lần lượt các siêu thị, trung tâm thương mại, mà thông qua quá trình mua bán sáp nhập (M&A) để họ thúc đẩy nhanh quá trình thâm nhập thị trường.
Điều này đỏi hỏi DN bán lẻ Việt Nam phải có chiến lược tập trung tối đa nguồn lực của mình, có bước đi và giải pháp. Nếu không có chiến lược đúng thì khó lòng mà trụ vững được trên thị trường.
Ông đang nói đến việc M&A trong ngành bán lẻ sẽ diễn ra nhiều hơn. Liệu rằng khi vào hội nhập hoạt động M&A về bán lẻ có bùng nổ hay không?
Trong đánh giá hoạt động M&A năm 2014 – 2015, trong tổng giao dịch M&A trên thị trường thì tỷ trọng giao dịch M&A trong bán lẻ là cao nhất. Cho thấy, không phải chờ đến khi hội nhập mà hiện quá trình này đang diễn ra rất mạnh mẽ. Đã có nhiều nhà phân phối trong nước liên doanh, liên kết và hợp tác với nhà bán lẻ nước ngoài.
Đơn cử như Aeon khi vào đây phát triển hệ thống Aeon Mall, nhưng sau đó đã liên kết với các nhà bán lẻ trong nước như Fivimart và Citimart. Lĩnh vực điện máy có Central Group mua lại điện máy Nguyễn Kim. Điều này cho thấy, quá trình này diễn ra rất là nhanh, do nền kinh tế có độ mở lớn và thị trường bán lẻ hiện đại của Việt Nam đã trưởng thành và đang trong giai đoạn phát triển mạnh
Do đó, nếu các nhà bán lẻ không đẩy nhanh quá trình M&A thì họ sẽ chậm chân trong quá trình này. Chính sự trưởng thành của thương mại hiện đại Việt nam đã đến thời điểm bùng nổ, nên quá trình M&A sẽ bùng nổ theo. M&A là cách có được thị trường nhanh nhất và xâm nhập mạng lưới nhanh nhất, nên nếu mà mình chậm chân thì sẽ mất cơ hội.
Song một bài toán đặt ra với DN bán lẻ nội là sức cạnh tranh yếu, nhưng hoạt động M&A của DN ngoại lại rất mạnh. Vậy chúng ta có lo ngại doanh nghiệp nội bị thâu tóm bởi những doanh nghiệp ngoại?
Quá trình M&A trong hội nhập là tất yếu, đặt các DN trong nước đứng trước hai lựa chọn:Hoặc là hợp tác liên doanh liên kết với tập đoàn nước ngoài để nâng cao năng lực quản trị, gìn giữ và phát triển thương hiệu.
Lựa chọn thứ hai là nếu DN nhận thấy nguồn lực đủ, đủ quyết tâm và năng lực quản trị để vào cuộc chơi lớn thì cần phải dồn lực để tiếp tục củng cố và phát triển. Tức là DN sẽ trực tiếp đối đầu, cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Điều này đòi hỏi DN phải tự định giá lại năng lực cốt lõ, nguồn lực của mình đang ở đâu, mục tiêu là gì? Nếu DN nhận thấy đủ quyết tâm và năng lực quản trị thì tập trung nguồn lực, củng cố và giữ thương hiệu, phát triển thương hiệu mạnh mẽ hơn để cạnh tranh với DN nước ngoài.
Còn nếu DN thấy rằng nguồn lực có giới hạn, năng lực quản trị kém và hạn chế thì nên chọn đối tác chiến lược đồng hành cùng, không có ý định thôn tính để liên kết lâu dài cùng phát triển thương hiệu. Điều này phụ thuộc vào lựa chọn và đánh giá của từng DN.
Theo ông đâu là những điểm yếu lớn nhất của DN bán lẻ Việt nam hiện nay khi ra sân chơi toàn cầu?
Về tổng thể DN Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh không cân sức. Có hai điểm yếu mà DN bán lẻ Việt Nam cần phải tập trung cải thiện.
Thứ nhất đó là năng lực quản trị điều hành hệ thống. Ta có thể điều hành DN ở quy mô nhỏ, một vài hoặc vài chục cửa hàng, hoặc điều hành tốt một vài mô hình. Nhưng nhìn lại những tập đoàn bán lẻ nước ngoài, điều hành rất tốt hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng với nhiều mô hình khác nhau, vừa là siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử.
Tức là DN nước ngoài có khả năng quản trị hệ thống bán lẻ lớn, đa dạng loại hình, điều hành rất là tốt. Điều này đòi hỏi DN của ta phải nỗ lực lớn để có những DN bán lẻ Việt Nam đủ năng lực quản trị hệ thống, mạng lưới bán lẻ quy mô lớn trải rộng khắp vùng miền của đất nước.
Thứ hai là hạn chế chuỗi cung ứng và hoạt động logistics. Về điều này thì DN bán lẻ Việt Nam còn phát triển ở mức độ rất sơ khai. Chi phí logistics hiện nay của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới, đã làm cho tính cạnh tranh của DN bán lẻ Việt Nam kém đi và chi phí của DN Việt Nam cao lên.
Khi đó, DN sẽ không còn nguồn để đầu tư cho chương trình marketing, chương trình làm thỏa mãn khách hàng tốt hơn, dịch vụ tốt hơn. Do đó, cần quan tâm tới vấn đề quản trị chuỗi cung ứng và logistics.
Gần đây nhiều nhà đầu tư ngoài ngành cũng nhảy vào bán lẻ cho thấy đây vẫn luôn là mảnh đất tiềm năng dù sức cạnh tranh lớn. Ông có lời khuyên gì cho các nhà đầu tư này?
Bán lẻ vẫn được đánh giá là có nhiều dư địa nên các nhà đầu tư vẫn sẽ nhảy vào. Vấn đề là trong cuộc chơi này, người nào có những bước đi, năng lực quản trị tốt thì sẽ thành công.
Thời gian tới bán lẻ vẫn là thị trường nóng, thị trường hấp dẫn. Vì hiện nay tỷ trọng thương mại hiện đại của ta là 25% nhưng theo quy hoạch của Bộ Công Thương, 5 năm nữa sẽ nâng lên mức 45 – 50%.
Như vậy quy mô thị trường tăng gấp đôi và đó thực sự là một mảnh đất mầu mỡ. Sẽ có nhiều người tham gia, nhưng khi tham gia DN phải chuẩn bị cho kỹ để biết cách quản trị phù hợp.
Xin cảm ơn ông!