Ô tô nhập khẩu bị ‘truy xuất’ nguồn gốc

Tính đến nay, Việt Nam đã đề nghị hải quan các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc hỗ trợ xác minh gần 2.000 giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O).

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản chỉ đạo cục hải quan các tỉnh, TP tăng cường công tác kiểm tra xuất xứ đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu khi áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương thực hiện đúng quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đặc biệt, lưu ý kiểm tra việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng các quy định của Bộ Công Thương hướng dẫn về giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt và các quy trình kiểm tra xác định xuất xứ.

Theo đó, trường hợp có nghi vấn liên quan đến tính hợp lệ của C/O, các thông tin khai báo C/O hay xuất xứ thực tế của hàng hóa nhập khẩu. Ví dụ như có dấu hiệu giả mạo chữ ký, con dấu C/O, sự không phù hợp giữa thông tin về hàng hóa khai báo trên C/O với chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan, nghi ngờ về tiêu chí xuất xứ khai báo trên C/O hay qua kiểm tra thực tế phát hiện xuất xứ thể hiện trên hàng hóa khác với khai báo, quy định về vận chuyển trực tiếp…), cục hải quan các tỉnh, TP phải gửi báo cáo và hồ sơ liên quan về Tổng cục Hải quan để tiến hành xác minh.

Trong thời gian chờ kết quả xác minh, hàng hóa nhập khẩu không được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt mà áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi thông thường (MFN).

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu cục hải quan các tỉnh, TP tiến hành rà soát C/O của các lô hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đã cho hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt từ ngày 1-1-2017 đến nay.

Nếu có dấu hiệu vi phạm, chủ động tổ chức kiểm tra sau thông quan và báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan.

Trước đó Pháp Luật TP.HCM có bài phản ánh nhiều người lo ngại tình trạng làm giả giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, khai tăng hàm lượng tỉ lệ nội địa hóa trong khu vực ASEAN nhằm được hưởng ưu đãi thuế ô tô. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho người tiêu dùng và những người kinh doanh chân chính.

Tính đến nay, Việt Nam đã đề nghị hải quan các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc hỗ trợ xác minh gần 2.000 C/O. Thư đề nghị hỗ trợ xác minh của Việt Nam tập trung vào chữ ký hợp lệ của người có thẩm quyền cấp C/O; nghi ngờ về con dấu hợp lệ trên C/O…

QUANG HUY ​