Doanh nghiệp logistics Việt làm gì để cạnh tranh đối thủ ngoại?

Thống kê của tổ chức độc lập tập hợp hơn 1.000 chuyên gia trong ngành logistics là Vietnam Suppy Chain cho thấy 25 doanh nghiệp logistics đa quốc gia đang chiếm 70-80% thị phần cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam với phạm vi hoạt động gần 100 quốc gia khác nhau.

Doanh nghiệp logistics Việt làm gì để cạnh tranh đối thủ ngoại?

Hơn 400 chuyên gia, doanh nghiệp logistics, quản trị cung ứng đã tập hợp tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2015 ngày 27/8 để bàn giải pháp cạnh tranh với đối thủ ngoại.

Thống kê của tổ chức độc lập tập hợp hơn 1.000 chuyên gia trong ngành logistics là Vietnam Suppy Chain cho thấy 25 doanh nghiệp logistics đa quốc gia đang chiếm 70-80% thị phần cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam với phạm vi hoạt động gần 100 quốc gia khác nhau.

Ông Julien Brun – Tổng giám đốc Công ty tư vấn chuỗi cung ứng CEL và là sáng lập viên Vietnam Suppy Chain nhận định thị trường dịch vụ logistics Việt Nam năm 2015 có sự chuyển biến tích cực với số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành phát triển nhanh và có tốc độ tăng trưởng tương ứng 20-15%/năm.

Tuy nhiên các công ty logistics Việt Nam chỉ mới hoạt động trong phạm vi nội địa hay một vài nước trong khu vực và chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn cho các doanh nghiệp quốc tế.

Điều này cản trở doanh nghiệp Việt Nam cung cấp dịch vụ trọn gói cho khách hàng. Bởi lẽ trong xu thế toàn cầu hóa chủ hàng thường có xu hướng thuê ngoài từ rất nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Một số công ty Việt Nam cũng có các đại lý ở nước ngoài nhưng quan hệ này khá lỏng lẻo và không đồng nhất.

Đây chính là những nguyên nhân cơ bản làm cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam thua xa và chỉ đóng vai trò “vệ tinh”, đảm nhận một số dịch vụ đơn lẻ như làm thủ tục hải quan, cho thuê phương tiện vận tải, kho bãi…

Theo ông Julien Brun, trong bối cảnh khi mà hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngày càng phát triển với kim ngạch tăng cao, thương mại nội địa ngày càng mở rộng, nhu cầu dịch vụ logistics ngày càng gia tăng thì đây là vấn đề phải đặc biệt quan tâm, khắc phục để hạn chế thiệt hại ngay trên “sân nhà” đối với lĩnh vực được coi là cơ sở hạ tầng của nền kinh tế.

“Các thách thức đối với logistics đặc thù tại thị trường Việt Nam hiện nay là: cơ sở hạ tầng yếu kém, logictics ở vùng sâu vùng xa và nội thành, giải pháp logitics cho ngành thương mại điện tử, hệ thống phân phối hàng hóa ở Việt Nam cho tương lai, quản trị rủi ro trong logistics…”, ông Julien Brun nói.

Chia sẻ kinh nghiệm trở thành một trong những công ty logistics hàng đầu (theo như công bố của Hiệp hội logistics Việt Nam), ông Khiêm Trần – Phó Tổng giám đốcGemadept Logistics cho biết với việc kết nối hệ thống logistics và hệ thống cảng của Gemadept tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm, công ty luôn nằm trong tốp dẫn đầu thị trường về quy mô doanh thu logistics.

Đồng thời Gemadept không ngừng phát triển mạng lưới, tích hợp các dịch vụ về logistics gồm: vận tải đường thủy, vận tải đường bộ, vận tải hàng dự án, vận tải hàng không, phát triển hoạt động contract logistics và các dịch vụ hỗ trợ nhằm cung cấp cho khách hàng các giải pháp logistics tích hợp, toàn diện trên phạm vi cả nước.

Trong giai đoạn tới, Gemadept đặt trọng tâm mở rộng hệ thống Trung tâm phân phối (logistics hub) tại miền Bắc, miền Tây (đồng bằng sông Cửu Long) và miền Trung để sẵn sàng nắm bắt cơ hội tăng trưởng của thị trường.

Cuối tháng 6/2015, Gemadept đã góp vốn với các đối tác thành lập CTCP Logistics Nam Hải với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, trong đó Gemadept góp 65% vốn. Việc thành lập Công ty logistics Nam Hải nhằm triển khai Dự án Trung tâm logistics và depot tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), là hệ thống kết nối các dịch vụ hoạt động khai thác cảng và logistics tại khu kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Trước đó, Gemadept cũng đã quyết định cùng với CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phúđầu tư xây dựng Trung tâm logistics tại Khu công nghiệp Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, với tổng vốn đầu tư 670 tỷ đồng. Dự án này nằm trong chiến lược phát triển mạng lưới logistics của Gemadept tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Là công ty tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào dịch vụ vận chuyển hàng hóa, ông Phước Trần đồng sáng lập viên Công ty CP dịch vụ Giao hàng nhanh cho biết ứng dụng Ahamove của công ty đang tập trung cung cấp dịch vụ cho khách hàng cá nhân và tiểu thương, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, Ahamove cũng đang chạy thử nghiệm với một số doanh nghiệp logistics và thương mại điện tử lớn. Hiện công ty đang xây dựng dữ liệu và quy trình vận hành cho chuẩn hơn, dự kiến sẽ cho ra mắt những sản phẩm/dịch vụ cộng thêm này trong tháng 10 tới.

“Trong thời gian chạy test này, Giao hàng nhanh cũng đang cùng với các đối tác định hình mô hình hợp tác. Hiện có 2 case studies với 2 công ty logistics lớn, 1 miền Nam và 1 miền Bắc, mỗi nhà có khoảng 30-40 xe. Tuy nhiên họ không có hệ thống vận hành/quản lý/tracking cho xe; vẫn làm thủ công là ghi sổ.

Chúng tôi đang đề xuất giải pháp kỹ thuật, chia sẻ mảng tracking của mình cho họ dùng free, để giúp họ quản lý xe thông qua Ahamove platform. Đổi lại sẽ là nếu họ muốn chở hàng chiều về, thì chỉ cần “turn on” thì sẽ trở thành 1 tài xế trong hệ thống Ahamove, và nhận được đơn hàng”, ông Phước Trần chia sẻ.

Duy Khánh

Theo Trí Thức Trẻ