Trạm thu phí ‘bủa vây’, lạm thu khiến dân và doanh nghiệp bức xúc

Người dân và doanh nghiệp bức xúc cho rằng cơ quan quản lý tài chính đang lạm thu khi vừa phải đóng phí đường bộ hàng năm vừa bị thu phí qua trạm BOT và mật độ trạm dày đặc.

Trạm thu phí 'bủa vây', lạm thu khiến dân và doanh nghiệp bức xúc

Người dân, doanh nghiệp phản đối

Ngày 4/1/2016, hàng trăm doanh nghiệp vận tải bức xúc Quảng Bình đưa xe đến chặntrạm thu phí Quán Hàu để phản đối việc tăng vé qua trạm bất hợp lý.

Sự việc tiếp tục tái diễn khi sáng 10/1 một số người dân và doanh nghiệp vận tại lại đưa xe ô tô chặn làn của trạm thu phí này.

Người dân và doanh nghiệp bức xúc cho rằng cơ quan quản lý tài chính đang lạm thu khi vừa phải đóng phí đường bộ hàng năm vừa bị thu phí qua trạm BOT và mật độ trạm dày đặc.

Theo đó mức phí tăng từ 15.000 đồng/lượt lên 35.000 đồng/lượt (xe dưới 9 chỗ) và từ 120.000 đồng/lượt lên 200.000 đồng/lượt (xe tải nặng), thậm chí nhiều trạm mức tăng còn gấp 2-3 lần so với trước.

Theo ông Lê Văn Tiến, chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, nhiều doanh nghiệp vận tải tỉnh này bức xúc khi qua 2 trạm trên quốc lộ 5 đã tăng lên 2-3 lần so với trước. Trong khi phía chủ hàng không chấp nhận tăng cước phí nên những doanh nghiệp này phải tự bỏ tiền túi để đóng phí.

Hệ quả của việc tăng mức phí khiến giá cước vận tải hành khách chạy tuyến Tp.HCM đi các tỉnh miền Trung không thể giảm giá cước mặc dù giá xăng đầu giảm mạnh.

Bộ giao thông đề nghị LÙI, Bộ tài chính trả lời KHÔNG

Thông thường khi tăng phí, các cơ quan quản lý dựa vào mức tăng chỉ số giá tiêu dùng để cân nhắc nhằm bù đắp trượt giá, giúp nhà đầu tư thu đủ số vốn.

Với mức tăng CPI năm 2015 chỉ ở mức 0,63% so với năm 2014 nên hồi cuối năm 2015, Bộ giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị các nhà đầu tư BOT và Bộ Tài chính lùi thời hạn tăng phí đến 1/6/2016 thay vì tăng từ 1/1/2016.

Tuy nhiên đề nghị này không được Bộ Tài chính chấp thuận do:

– Đề nghị lùi thời hạn tăng phí của Bộ GTVT chưa phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT đã ký.

– Đồng thời văn bản này gửi cách ngày tăng phí 1 tuần, thời gian quá ngắn nên Bộ tài chính không kịp nghiên cứu, đánh giá để xem xét ban hành thông tư mới.

– Các trạm đã in, bán vé tháng, vé quý nên không thể lùi thời gian tăng phí.

Trong văn bản trả lời của mình, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc lên kế hoạch, triển khai, xây dựng dự án cho đến mức thu phí đều có sự tham gia và đồng thuận của Bộ Giao thông. Vì vậy, đến lúc này Bộ Giao thông mới đưa ra đề nghị lùi thời hạn là không hợp lý. Thêm vào đó, Bộ Giao thông chỉ yêu cầu lùi thời hạn thu phí với một số trạm thu phí chứ không phải tất cả.

An Bình

Theo Trí Thức Trẻ