Gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu: Thành công bước đầu của Hùng Dũng

(DĐDN) – Luôn học hỏi và tìm hiểu xu hướng nhu cầu của thị trường, áp dụng phương pháp quản lý của Nhật Bản, Cty TNHH Hùng Dũng đã có bước đi thành công đầu tiên trên con đường gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

chuỗi cung ứng toàn cầu

Cty Hùng Dũng đang sản xuất hàng trăm nghìn bộ linh kiện điện tử, bóng đèn và thiết bị điện mỗi tháng

Hiện Cty TNHH Hùng Dũng đã tham gia hội viên Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Hà Nội (HANSIBA). Cùng với hàng trăm DN hiện đang sản xuất kinh doanh trực tiếp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và CNHT phục vụ công nghệ cao đang có những định hướng phát triển, hợp tác cụ thể với những tổ chức DN quốc tế. Đã, sẽ đầu tư tại Việt Nam, từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu. Riêng công ty Hùng Dũng với sự trợ giúp, định hướng của HANSIBA cũng đang có kế hoạch và sẵn sàng tham gia vào việc cung ứng các sản phẩm cho các DN FDI lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… nhằm cụ thể hoá nhiệm vụ phát triển ngành CNHT tại Việt Nam.

Trong khu xưởng rộng gần 1000 m2 nằm dọc theo tuyến đường quốc lộ 5 thuộc tỉnh Hải Dương, mọi thứ đều được sắp xếp gọn gàng và sạch sẽ. Xen lẫn giữa những thiết bị máy móc đang hoạt động và phát ra những âm thanh rầm rì, lách cách, là những người công nhân trong trang phục áo khoác xanh ngồi miệt mài lắp ráp những thiết bị điện tử, cuốn dây điện hoặc kiểm tra tỷ mỉ lại những sản phẩm đã hoàn thiện. Phía cuối khu nhà xưởng là nhà kho chứa hàng cũng được sắp xếp rất gọn gàng và khoa học. Tất cả các sản phẩm trong kho hàng đều được để trên giá và có đánh số hiệu của từng mã hàng riêng biệt. Còn đầu phía bên kia của khu nhà xưởng là chỗ ngồi của cán bộ quản lý sản xuất, vừa có thể làm việc, vừa có thể giám sát hoạt động của các thiết bị máy móc và công nhân.

Khung cảnh trên trái ngược với những gì đã có ở đây cách đây 2 năm. Như lời ông Dũng nói thì lúc đó mọi thứ trong khu nhà xưởng của Cty Hùng Dũng “đều ngổn ngang, bẩn thỉu và khó kiểm soát.”

chuỗi cung ứng toàn cầu

Ông Dũng đang giới thiệu với Thành viên Ban điều hành và hội viên Hiệp hội HANSIBA về phần mềm lập trình thiết bị điện tử do Công ty TNHH Hùng Dũng đang phát triển

Tiến bộ nhờ thay đổi

Hiện tại Cty Hùng Dũng đang sản xuất hàng trăm nghìn bộ linh kiện điện tử, bóng đèn và thiết bị điện, mỗi tháng. Những sản phẩm đó, phần lớn được cung cấp trong thị trường nội địa và các khách hàng là những doanh nghiệp trong nước.

Nhưng dấu ấn quan trọng nhất đối với ông Dũng là công ty của ông đã ký được một hợp đồng cung cấp linh kiện cho hãng máy khâu Jaguar của Nhật Bản, với số lượng hiện tại vào khoảng 500.000 linh kiện mỗi tháng. Dù mới chỉ có một khách hàng đến từ Nhật Bản, nhưng đó có thể coi là sự khởi đầu tốt cho việc mở rộng khách hàng tiếp theo của công ty, và cũng là bước chân đầu tiên tiến vào con đường chuỗi cung ứng toàn cầu của công ty Hùng Dũng.

Có một điểm đáng nói rằng, ông Dũng không phải là người đi tiếp cận trước với tập đoàn Jaguar của Nhật để xin được làm nhà cung cấp, mà ngược lại Jaguar là bên chủ động tìm đến công ty Hùng Dũng. Câu chuyện bắt đầu từ việc ông Dũng quyết định đưa công ty của mình tham gia triển lãm về công nghiệp phụ trợ tại Hà Nội do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức. Đây là một sân chơi mà những công ty tham gia triển lãm của Việt Nam giới thiệu những gì mình có thể làm được, còn các công ty của Nhật Bản lại trình bày những gì mình muốn mua tại Việt Nam.

“Khi kết thúc triển lãm, phía Jaguar đã tìm đến đây và đề nghị công ty Hùng Dũng làm nhà cung cấp một số linh kiện điện cho các sản phẩm máy khâu của họ. Cũng hơi bất ngờ, nhưng rất vui”, ông Dũng nói. Không vui sao được khi mà có rất nhiều Cty sản xuất linh kiện và phụ tùng điện tử trong nước dù đã rất cố gắng tiếp cận và chào hàng nhưng vẫn không thể chen chân vào được chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty nước ngoài. Đằng này, phía đối tác Nhật Bản lại tự tìm đến với công ty Hùng Dũng trước. Điều đó chứng tỏ Jaguar đã rất tin tưởng vào khả năng sản xuất và chất lượng sản phẩm của Hùng Dũng.

Nhưng điều đó không phải tự nhiên mà có được. Như ông Dũng nói cách đây 2 năm hoạt động sản xuất của Hùng Dũng không được sắp xếp và quản lý một cách khoa học như hiện tại. Và nếu như điều đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay, chưa chắc Jaguar đã chọn Hùng Dũng làm nhà cung cấp.

Ông Dũng kể sự thay đổi đó có được nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Bắt đầu từ cuối năm 2013, cứ hai tuần một lần và kéo dài trong 8 tháng, các chuyên gia người Nhật của JICA từ Hà Nội xuống nhà máy Hùng Dũng tại Hải Dương để hỗ trợ về cải tiến quy trình sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản. Và một năm sau đó ông Dũng đã theo học lớp quản lý của JICA tổ chức để nâng cao kỹ năng quản lý của mình.

“Điểm yếu nhất của chúng tôi, và cả của nhiều DN Việt khác là kỹ năng quản lý, không phải chất lượng. Tôi tự tin rằng DN Việt có thể sản xuất được rất nhiều linh kiện, phụ tùng đạt yêu cầu thị trường, nhưng chúng ta không biết quản lý khiến giá thành sản phẩm thường cao hơn so với hàng nhập khẩu, và cũng khiến đối tác lo ngại về năng lực sản xuất bền vững và khả năng giao hàng,” ông Dũng nói.

Nhờ vào sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, và sự thay đổi quy trình sản xuất, ông Dũng cho biết năng suất của nhà máy đã tăng lên đáng kể, hiệu suất làm việc của người lao động cũng tăng lên, đó là chưa kể đến những khoản chi phí khác được tiết kiệm.
Không tiết lộ rõ kết quả kinh doanh, nhưng vị giám đốc sinh năm 1962 này cho biết hiện tại hoạt động của công ty đang rất tốt. Trong năm 2016 này, công ty Hùng Dũng sẽ mở rộng thêm một khu nhà xưởng rộng 2000 m2 nữa để đáp ứng nhu cầu sản xuất đang tăng lên. Cùng với đó sẽ là việc tìm thêm những đối tác nước ngoài đang có hoạt động sản xuất tại VN. “Điểm quan trọng là mình phải luôn học hỏi và nắm bắt được xu hướng. Nếu mình không nắm bắt được xu hướng là thất bại,” ông Dũng chia sẻ về kinh nghiệm của mình. Xu hướng mà ông nói đến ở đây chính là nhu cầu đang tăng cao về công nghiệp phụ trợ của các tập đoàn sản xuất đa quốc gia đang đổ dồn vào VN. Theo khảo sát gần đây của JETRO, 78% DN Nhật Bản đầu tư vào VN định hướng nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa để giảm chi phí. Đây cũng là xu hướng chung của các nhà đầu tư nước ngoài vào VN để giảm chi phí sản xuất đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, theo JETRO, giá thành vẫn là điều khiến sản phẩm phụ trợ của DN trong nước chưa thực sự cạnh tranh, vì cách quản lý chưa phù hợp và thực tế nhiều nguyên liệu vẫn dựa vào nhập khẩu.

Điểm yếu nhất của Hùng Dũng và cả của nhiều DN Việt khác là kỹ năng quản lý.

Băn khoăn chính sách

Dù đang hoạt động hiệu quả và đã có bước đầu thành công với mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài, nhưng cũng giống như nhiều DN làm công nghiệp phụ trợ trong nước khác, ông Dũng cho rằng chính sách của nhà nước vẫn đang là rào cản lớn với sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nói chung.
“Khi ra chính sách đúng, quy định đúng, thì mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn. Cũng như là mùa màng, nếu thời tiết thuận lợi thì sâu bệnh ít đi, nước tưới ít đi, và hiệu quả thu hoạch cũng lớn hơn. Luật mình chưa hỗ trợ được nhiều nên làm chỗ nào cũng vướng”, ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Dũng, điều quan trọng nhất là Nhà nước chưa đưa ra được chính sách hỗ trợ đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cụ thể. Có những sản phẩm, linh kiện rất cần cho các lĩnh vực sản xuất khác mà ông cho rằng Cty của ông hoàn toàn có thể sản xuất được, nhưng nếu sản xuất ra mà không có sự hỗ trợ từ chính sách thì không mang lại hiệu quả cao.

N.Kiều