NGÀNH ĐƯỜNG SẮT “LỘT XÁC”: DỄ HAY KHÓ?

(DĐDN) –  Mặc dù đã tồn tại hơn 100 năm với sức ỳ khá lớn nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng khẳng định ngành đường sắt có thể “lột xác” thành công trong thời gian tới nếu có quyết tâm cao.

NGÀNH ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM

Tại Hội nghị tổng kết năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức ngày 5/1, ông Trần Ngọc Thành – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: Sau một năm hoạt động theo mô hình mới, VNR đã đi vào ổn định và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cả về “chất” và “lượng”.  Cụ thể, năm 2015, doanh thu của VNR đạt 11.662 tỷ đồng VN, trong đó, Công ty mẹ đạt doanh thu 2. 825,48 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 65,67 tỷ đồng bằng 107,6% so với chỉ tiêu Bộ GTVT giao, tạo thu nhập ổn định7 triệu đồng VN/người/tháng cho 29.295 lao động.

Sự hấp dẫn vẫn là xa xỉ 

Thực tế, với thương hiệu của một quốc gia thì hiệu quả kinh doanh của VNR còn thấp, chưa cạnh tranh được với đường bộ và đường hàng không. Bộ trưởng Thăng nhìn nhận: Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn là chủ lực, nhưng theo báo cáo thì lãi chỉ 5 tỷ đồng trong năm 2015, năm 2016 phấn đấu lên 10 tỷ đồng, còn VNR năm 2015 chỉ lãi 65 tỷ đồng, năm 2016 phấn đấu lãi 69 tỷ đồng.

Mặt khác, hàng không phát triển là động lực để đường sắt phát triển. Tuy nhiên, nghịch lý là giá vé tàu cao hơn giá vé hàng không khiến nhiều người dân quay lưng với đường sắt.Cụ thể, vé bay chặng Pleiku-Hà Nội của các hãng hàng không chỉ 280 nghìn đồng, giá vé đường bộ còn 250.000 đồng, trong khi giá vé tàu cao hơn nhiều lần. Nói cho cùng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng lấy Vietnam Airlines làm ví dụ, khi tái cơ cấu và cổ phần hoá, số lao động là 11 nghìn người. Đến nay số lượng máy bay tăng gấp đôi, doanh thu tăng, nhưng số lượng lao động chỉ còn 6 nghìn người. Trong khi đó, ngành đường sắt có tới 29.295 lao động – con số quá lớn. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến lương của CBCNV trong ngành thấp, “phải bao” khách lên tàu để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra,về tai nạn giao thông, trong khi cả nước 5 năm liên tục giảm tai nạn giao thông cả ba tiêu chí thì đường sắt lại tăng cao. Riêng năm 2015, tai nạn giao thông tăng 58%, số người chết tăng 75 người (tăng 54%) –  mức tăng cao nhất trong 5 năm.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Thăng, ông Thành cho rằng: Trên thế giới họ phát triển đường sắt bằng cách lấy hàng hóa bù cho hành khách, nhưng nghịch lý hiện nay ngành đường sắt Việt Nam đang làm là lấy lượng hành khách để bù cho hàng hóa bởi vì trước đây chủ hàng, doanh nghiệp đến phải cầu cạnh, nhưng “con cháu” ngành đường sắt quấy nhiễu quá nhiều nên các chủ hàng đã bỏ đi quay lưng lại với đường sắt…

Tự bằng lòng là “chết”

Theo ông Thành, năm 2015, VNR đã hoàn thành giai đoạn 2 Dụ án xây dựng Hệ thống bán vé điện tử phục vụ khách hàng mua vé tàu mọi lúc mọi nơi, tự in vé và lên tàu, sử dụng hóa đơn điện tử, do đó đã tạo sự thuận tiện, minh bạch, chấm dứt tình trạng lộn xộn, chen lấn, phe vé tàu Tết tại các ga tàu. Bên cạnh đó, VNR điều chỉnh biểu đồ chạy tàu trên các tuyến theo nhu cầu vận tải, điều hành chạy tàu hợp lý nhằm rút ngắn hành trình chạy tàu. Điển hình là tuyến Hà Nội-Đồng Đăng đã giảm thời gian từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ; nâng tỷ lệ tàu đúng giờ ngày càng cao so với năm 2014; Tàu Thống Nhất đi đúng giờ đạt 99% tăng 0,2% và đến đúng giờ đạt 79,4% tăng 36,9%, tàu khu đoạn đi đúng giờ đạt 98,3% tăng 3,2 %, đến đúng giờ đạt 87,3% tăng 26,3%…

Nhìn nhận về những kết quả của VNR, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, trong bối cảnh chung tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, việc Chính phủ chỉ đạo kìềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội thì vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng nói chung trong đó có hạ tầng GTVT và hạ tầng đường sắt rất hạn hẹp. Do vậy, VNR cần tiếp tục đổi mới, “thắt lưng buộc bụng”, thay đổi từ những việc nhỏ nhất như cách ăn mặc, chất lượng phục vụ của CBCNV đến việc bán vé điện tử, đổi mới hạ tầng mái che, ke ga, thay đổi biểu đồ giờ tàu chạy, tỷ lệ đúng giờ…

Chúng ta vẫn hay hỏi liệu đường sắt có thay đổi được không sau hơn 100 năm. Thực tế tôi có thể khẳng định đường sắt thay đổi được… đường sắt cần phải nhìn nhận nghiêm túc, phải nỗ lực nhiều hơn nữa, dư địa để đường sắt cố gắng vẫn còn nhiều. Nếu chúng ta hài lòng với những gì đã đạt được thì hết động lực phát triển. Vì nếu đã bằng lòng với chính mình thì có còn động lực để phát triển?” – Bộ trưởng Thăng chia sẻ.

Để phát triển, Bộ trưởng Thăng yêu cầu VNR thực hiện 5 giải pháp.

Thứ nhất, khẩn trương hoàn thiện xây dựng và trình Chính phủ Luật Đường sắt. Muốn VNR phát triển thì cần phải thay đổi cơ chế chính sách mà muốn thay đổi cơ chế chính sách trước hết cần thay đổi Luật Đường sắt để phù hợp với Hiến pháp 2013, đúng với tinh thần cải cách hành chính theo cơ chế thị trường. Cùng với đó, VNR phải xây dựng các nghị định, thông tư để hướng dẫn.

Thứ hai, phải xây dựng quy hoạch chi tiết, hiện đại hệ thống đường sắt, hiện đại hạ tầng, phương tiện vận tải, quản lý, con người cụ thể từng vấn đề, trách nhiệm của đường sắt như thế nào?, trách nhiệm của Bộ GTVT?… phối hợp Cục đường bộ chuẩn bị đầu tư đường sắt mới để sớm nhất thông qua Bộ trình Quốc hội để thông qua chủ trường đầu tư tuyến đường sắt khổ đôi (1435 mm) trước mắt lựa chọn tuyến để triển khai trước như: Hà Nội – Vinh, TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang, Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long.

Thứ ba, khẩn trương chuyển các công ty sang mô hình công ty cổ phần, các công ty nào không cần giữ cổ phần chi phối thì dứt khoát bán hết 100% và thay đổi bản chất quản trị tư duy người đứng đầu.

Thứ tư, quan tâm đến công tác an toàn giao thông, đẩy mạnh xã hội hoá ngành đường sắt.

Thứ năm, tái cơ cấu vận tải đường sắt logistics, cải cách TTHC, tập trung dân chủ phát huy vai trò lãnh đạo các tổ chức quần chúng tạo động lực phát triển.

 Khắc Lãng