Tải trọng và trọng tải – giống hay khác nhau?

Từ điển Việt-Việt cho là đồng nghĩa nhưng đưa ra ví dụ khác nhau, và trong các tình huống cụ thể sẽ có thể đem lại kết quả khác nhau.

Ngày 16/4/2003 trong công văn khẩn cấp mà Bộ Giao thông Vận tải gửi tới Bộ Công an giải thích “Những quy định về xe ôtô vượt quá trọng tải”, trong đó cụm từ: “hành vi chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế” được in chữ đậm trên VnExpress. Báo dẫn lời của thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Ngô Đức Thịnh giải thích như sau: “Trọng tải thiết kế của xe là trọng tải cho phép về mặt kỹ thuật do nhà chế tạo công bố trong tài liệu kỹ thuật của xe. Khi kiểm định, tải trọng thiết kế của xe là trọng tải cho phép được ghi trong giấy chúng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ”

Trong thông tư 07/2010/TT – BGTVT ngày 11/2/2010 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tải trọng, khổ giới hạn cầu đường bộ: lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn cầu đường bộ… Phần giải thích từ ngữ không nói đến “trọng tải” như công văn 16/4/2003 đã dẫn trên, hay như điều 37 nghị định 15 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ. Thay vào đó là cụm từ “tổng trọng lượng của xe bao gồm trọng lượng bản thân xe cộng trọng lượng hàng hóa xếp trên xe (nếu có). Còn “tải trọng” là tải trọng trục xe; tải trọng hàng hóa; tải trọng cầu đường bộ được thông tư này dùng một cách thống nhất và xuyên suốt.

Theo từ điển Việt – Việt: “Trọng tải” và “tải trọng” là đồng nghĩa. Nhưng họ đưa ra các ví dụ khác nhau. Họ ví dụ cho từ “trọng tải” là “trọng tải của xe 2,5  tấn”. Còn ví dụ cho từ “tải trọng” là “thanh sắt có tải trọng 1 tấn”.

Như vậy đôi khi những từ đồng nghĩ khi dùng trong các tình huống cụ thể sẽ có thể đem lại kết quả khác nhau. Tải trọng phần lớn được dùng để chỉ “sức chịu đựng”; “giới hạn” của vật mang tính cơ lý! Người ta nói tải trọng của cây cầu khác với trọng lượng của cây cầu và càng khác với khối lượng của cây cầu. Người ta nói khối lượng công việc, chứ không ai nói trọng lượng công việc.

Nhưng trong vận tải thì có thể tạm chấp nhận trọng lượng hàng hóa và khối lượng hàng hóa là một. Chính vì thế ta gặp rất nhiều bài báo hay ghép trọng tải, tải trọng, trọng lượng, khối lượng… vào làm một và sử dụng 2 hay nhiều cụm từ cho cùng tình huống.

Ngay như Quyết định 06/2013 của UBND thành phố Hà Nội, phần giải thích từ ngữ “trọng lượng toàn bộ của xe gồm trọng lượng bản thân xe cộng với trọng lượng hàng theo thiết kế” . Nhưng phía dưới thì lúc thì trọng lượng toàn bộ, lúc thì tải trọng.

Quay lại xe bán tải chạy ở làn nào? Xe bán tải là dạng xe lai, dở dở ương ương. Nhưng theo quy định nếu thỏa mãn 2 yếu tố:

1/ Đăng ký biển C.

2/ Trọng lượng toàn bộ theo thiết kế và đăng kiểm lớn hơn 1,5 tấn.

Lúc đó về mặt quy định, nó là xe tải, chịu những quy định như xe tải. Ở trong phố, làn đường hỗn hợp hoặc phân làn ôtô xe máy riêng thì không nói. Nhưng nếu tuyến đường phân rõ làn xe tải, xe con thì nên chạy vào làn xe tải.

Có bạn nói xe bán tải chạy hơn chục năm nay vô tư, có vấn đề gì đâu. Xin thưa là có vấn đề về làn đường, tốc độ, tuyến phố/giờ cấm. Chúng ta thấy người đi bộ đi sai luật giao thông ngay trước mặt cảnh sát có bị phạt đâu. Tuy nhiên khi có vấn đề tai nạn hoặc chuyên đề của CSGT thì có thể xe bán tải sẽ bị xử lý..

Với sự phát triển phương tiện như hiên nay, hy vọng xe bán tải sẽ có quy định cụ thể chi tiết hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Độc giả Nguyễn Phúc Tâm