Trong khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vẫn còn trên nghị trường Quốc hội, thì không ít nhà đầu tư, nhất là các DN FDI đã rục rịch chuẩn bị cho các dự án vào Đồng Nai để đón trước cơ hội…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái trao giấy chứng nhận đầu tư cho đại diện Công ty Hyosung Đồng Nai thuộc Tập đoàn Hyosung, Hàn Quốc
Không phải ngẫu nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều đoàn DN của Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Thái Lan, Trung Quốc… đã đến Đồng Nai tìm cơ hội đầu tư vào công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, bất động sản, du lịch…
Kỳ vọng lớn vào “Long Thành”
Cuối tháng 5 vừa qua, Tổng lãnh sự Singapore tại TP HCM – bà Leow Siu Lin đã đến thăm và làm việc với UBND tỉnh, nội dung chính của buổi làm việc xoay quanh thông tin về Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo bà Lin, các Cty khai thác dịch vụ hàng không của Singapore rất có kinh nghiệm quản lý vận hành, muốn được hợp tác đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành. “Tôi nghĩ đây là một dự án rất tiềm năng, mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng” – Tổng lãnh sự Singapore chia sẻ.
Cũng trong tháng 5, đoàn DN Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) đến tỉnh tìm nhập khẩu một số mặt hàng, đã bày tỏ thiện chí mong muốn được đầu tư vào một số hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi dự án được triển khai xây dựng. Sớm hơn, vào cuối năm 2014, DN của các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Pháp… thông qua lãnh sự quán cũng đã đặt vấn đề hợp tác đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có rất nhiều các hạng mục cần thu hút đầu tư ngoài đường băng, nhà ga còn các khu dịch vụ, khu đô thị hay các dịch vụ vận hành khác. Đây là một dự án lớn nên các nhà đầu tư ngoại đã sớm nhìn thấy cơ hội tốt để xem xét đầu tư.
Doanh nghiệp rục rịch đầu tư
Các nhà đầu tư ngoại đã sớm nhìn thấy cơ hội tốt từ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thàn để xem xét đầu tư. |
Ông Sultan Ali Rashed Ahmad Lootah – Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Vault Investment (UAE) cũng chia sẻ: “Tôi cùng một số DN từ UAE đến Đồng Nai là để gặp gỡ trao đổi với các DN trong tỉnh nhằm tìm đối tác đầu tư lĩnh vực bất động sản, xây dựng tổ hợp văn phòng, nhà ở, khu mua sắm. Đồng thời, chúng tôi rất muốn được đầu tư một số hạng mục của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành”…
Trong khi đó, Tập đoàn Hyosung đến từ Hàn Quốc sau 2 năm chuẩn bị, mới đây đã mở rộng đầu tư lên đến 660 triệu USD (tương đương 14 ngàn tỷ đồng) tại Nhơn Trạch cũng nhắm đến khu vực gần Cảng hàng không Long Thành tương lai.
Còn Amata Thái Lan đang tích cực làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về chiến lược “rót” trên 400 triệu USD vào tỉnh này để đầu tư xây dựng khu phức hợp cao cấp mang tên thành phố Long Thành.
Cũng là DN đặt nhiều kỳ vọng vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mới đây Cty Sankyu Logistics Việt Nam đã khai trương Trung tâm kho vận logistics tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3. Ông Morikawa Akira – Tổng quản lý trung tâm này cho biết Cty đã khảo sát nhiều nơi, nhưng thấy Nhơn Trạch là điểm đặt trung tâm kho vận hợp lý nhất. “Nơi đây thuận tiện về giao thông đường bộ, gần cảng biển và đặc biệt sắp tới gần cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dịch vụ logistics cho xuất nhập khẩu hàng hóa được vận chuyển phần lớn bằng đường biển, nhưng cũng vẫn có nhiều hàng hóa phải đi bằng đường hàng không nên chúng tôi phải chọn cự ly gần cảng hàng không quốc tế để đặt kho” – ông Morikawa Akira nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội: “Một nền công nghiệp” đi theo Long Thành phải được tính toán
Cá nhân tôi thấy các yếu tố khách quan và chủ quan đã chín muồi để chúng ta bắt tay vào triển khai dự án sân bay Long Thành. Đối với dự án này, chúng ta đang thực hiện nguyên tắc thời gian chuẩn bị kéo dài nhưng thời gian triển khai ngắn lại. Đây là quyết định của Bộ Chính trị và khác hẳn với những dự án khác. Với phương thức này, chúng ta có thể học hỏi được những kinh nghiệm tốt. Tuy nhiên, hạn chế của nó là chúng ta sẽ gặp khó khăn khi xử lý những vấn đề phát sinh của dự án. Đặc biệt tội cho rằng, Quốc hội cần trao đổi là nếu bỏ ra 1 khoản tiền lớn đầu tư vào dự án sân bay Long Thành thì những khoản tiền sau đổ vào “một nền công nghiệp” đi theo Long Thành phải được tính toán ngay từ bây giờ. Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Đoàn ĐB tỉnh Hòa Bình): Về phương án vốn và vận hành sân bay Long Thành, tôi ủng hộ phương án vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay ODA chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng vốn đầu tư, 2/3 huy động từ các nguồn xã hội hóa cụ thể từ các DN, các nhà đầu tư tư nhân và ngoài nước. Tuy nhiên, để thu hút được nhà đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ của giai đoạn 2 và 3, tôi đồng ý với phương án của Chính phủ là thu hồi, giải phòng mặt bằng một lần và thực hiện ngay trong giai đoạn một của dự án. Cách làm này phù hợp với chủ trương thẩm định, rà soát dự án chặt chẽ nhưng quá trình triển khai dự án phải nhanh và tránh tình trạng đội vốn do chi phí giá đền bù phát sinh tăng sau khi dự án được triển khai. |
K.Giới