Quy mô doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn nhỏ

Hoạt động logistics có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia. Tuy nhiên, quy mô doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn nhỏ.

dịch vụ logistics ở Việt Nam
Bà Trịnh Thị Thu Hương – Trưởng bộ môn Vận tải, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội phát biểu tại hội thảo . Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo “Thực trạng và những đề xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam”, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 15/1.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Thời gian hoạt động trung bình của các doanh nghiệp là 5 năm với vốn đăng ký trung bình khoảng 1,5 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam hiện chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường logistics và mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ khổng lồ này. Ngành công nghiệp logistics của Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ phôi thai và chưa được thực hiện thống nhất.

Ông Trần Chí Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistic chia sẻ, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống vận tải thông suốt. Chẳng hạn như đi từ cảng biển đến nhà máy sẽ phải qua rất nhiều phương tiện khác nhau.

Vấn đề cơ bản nhất là Việt Nam đã có những cảng biển lớn, hàng xuất nhập khẩu đang tăng rất nhanh. Tuy nhiên, cách đưa hàng đến cảng vẫn thô sơ, cơ bản bằng đường bộ và phương tiện xếp dỡ chưa hiện đại dẫn đến thời gian, chi phí và năng suất lao động tăng.

Đối với những nước phát triển như Nhật và Mỹ, dịch vụ logistics đóng góp khoảng 10% GDP. Dịch vụ logistics ở Việt Nam có quy mô khoảng 20-22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước. Tuy nhiên, theo Cục Hàng hải Việt Nam, lĩnh vực quan trọng nhất trong logistics là vận tải biển thì doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng chuyên chở được 18% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.

Còn theo bà Trịnh Thị Thu Hương – Trưởng bộ môn Vận tải, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, trước mắt cần khai thác ngay những gì đã có, gỡ bỏ những khâu thiếu kết nối, tức là xóa bỏ những rào cản đó để có thể kết nối được với nhau.

“Trong 10 năm tới, khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt mức 200 tỉ USD/năm thì nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics lại càng lớn. Phân phối giống như mạch máu của nền kinh tế. Nắm được hệ thống phân phối chính là nắm được phần thắng trong tay. Và logistics chính là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối ấy”. Bà Trịnh Thị Thu Hương khẳng định./.

Uyên Hương

BNEWS/TTXVN