Tăng thị phần vận tải đường thủy: Giảm ít nhất 30% chi phí vận tải

Thị phần vận tải đường thủy nội địa ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm. Thực tế cho thấy, giá cước vận tải theo đường thủy nội địa hiện nay vào diện thấp nhất, chỉ bằng 30% so với đường bộ và rất thích hợp cho việc vận chuyển container.

thị phần vận tải đường thủy
Giá cước vận tải đường thủy nội địa hiện nay vào diện thấp nhất so với các loại hình vận tải khác (Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cống Câu, sông Thái Bình, Hải Dương) – Ảnh: Huy Lộc

Thị phần vận tải đường bộ giảm mạnh cho thấy nỗ lực tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải bắt đầu có hiệu quả.

6 triệu tấn hàng qua đường sông pha biển

Chia sẻ về kết quả thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực vận tải, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, năm 2015, thị phần vận tải đường bộ đã giảm từ 76% xuống còn 65%. Đây là điều rất tích cực cho thấy nỗ lực tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải bước đầu mang lại hiệu quả.

Cũng theo ông Ngọc, năm 2015 lần đầu tiên Bộ GTVT đã xây dựng và triển khai hoạt động của sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường bộ và đang tiếp tục xây dựng sàn giao dịch vận tải hàng hóa đường biển, đường thủy nội địa (ĐTNĐ), đường sắt, hàng không. Việc làm này nhằm mục đích đưa công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành vận tải, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác của doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ, kéo giảm chi phí vận tải.

“Tôi tin rằng thị trường vận tải sẽ sớm được tái cơ cấu một cách hài hòa giữa các phương thức vận tải, phát huy được thế mạnh của từng phương thức và phát triển mạnh vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước”Ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT).

“Đáng kể nhất là việc Bộ GTVT đã đưa vào khai thác tuyến vận tải ven biển Bắc – Nam (SB). Chỉ sau một năm đã vận chuyển được hơn 6 triệu tấn hàng hóa, trong đó phần lớn là các mặt hàng có khối lượng lớn và hàng siêu trường, siêu trọng”, ông Ngọc nói và cho rằng, việc mở lại tuyến SB mang lại thành công vượt ngoài mong đợi.

“Với số hàng qua đường biển này nếu vận chuyển theo đường bộ sẽ tương đương khối lượng vận chuyển của 200 nghìn chiếc xe có trọng tải 30 tấn. Lượng xe này chạy trên đường bộ sẽ gây áp lực lớn, gây quá tải và xuống cấp cho đường sá”, ông Ngọc phân tích.

Ông Trần Văn Sáu, Giám đốc Công ty CPTM Xuân Toàn có hai chiếc tàu chạy tuyến sông pha biển (SB) khẳng định, rõ ràng đi đường thủy thì sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đường bộ vì chở được nhiều hàng mà chi phí ít hơn. Từ khi biết có tuyến đường thủy SB tôi đã tham gia ngay, đơn giản bởi nếu đi tuyến này chi phí vận tải một chuyến hàng giảm một nửa so với đường bộ mà lại an toàn, đỡ phức tạp hơn. Chẳng hạn như công ty chúng tôi thường xuyên chở than và xi măng từ Hải Phòng vào cảng Sông Gianh (Quảng Bình). Chi phí cho một chuyến hàng 1 nghìn tấn sẽ chỉ vào khoảng 50 triệu đồng. Như vậy với mức cước này chỉ bằng một nửa so với đường bộ.

thị phần vận tải đường thủy
Dù chở hàng một chiều nhưng giá cước đường thủy vẫn rẻ hơn so với các loại hình vận tải khác – Ảnh: Huy Lộc

Thị phần vận tải đường thủy gia tăng

Nói thêm về vận tải thủy, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, năm 2015, lượng hàng hóa vận chuyển qua đường thủy nội địa đạt hơn 200 nghìn tấn, tăng 9% so với năm trước. Điều này cho thấy, thị phần vận tải đường thủy nội địa ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm. Thực tế cho thấy, giá cước vận tải theo đường thủy nội địa hiện nay vào diện thấp nhất, chỉ bằng 30% so với đường bộ và rất thích hợp cho việc vận chuyển container.

Tại cuộc họp về tái cơ cấu vận tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu trong thời gian tới, các lĩnh vực vận tải cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Đặc biệt, tất cả 5 lĩnh vực vận tải cần bắt tay ngay vào việc thành lập các sàn giao dịch vận tải. Bên cạnh đó cần cải cách thủ tục hành chính, bỏ ngay những thủ tục không cần thiết…

“Giá cước một chuyến vận chuyển container loại 40 fit dù phải chạy rỗng chở container từ cảng Hải Phòng lên Việt Trì lấy hàng về chỉ có giá khoảng 4,5 triệu đồng tính cả các loại thuế, phí. Nếu đi đường bộ giá cước sẽ lên tới 9 – 10 triệu đồng, tính các chi phí cầu đường có khi lên tới 12 triệu đồng. Như vậy, dù chở hàng một chiều nhưng giá cước đường thủy rẻ hơn rất nhiều”, ông Giang phân tích.

Cũng theo ông Giang, ngoài tuyến vận tải ven biển, một số tuyến mới cũng đã có sự khởi sắc như: các tuyến vận chuyển container từ Đồng bằng sông Cửu Long đi Campuchia hay tuyến Hải Phòng – Việt Trì, Hạ Long – Móng Cái… “Để tiếp tục phát huy thành công của tuyến đường thủy pha sông biển từ Bắc vào Nam, thời gian tới chúng tôi sẽ đề xuất mở thêm các tuyến pha sông biển quốc tế từ Việt Nam đi Campuchia và Trung Quốc. Đối với các tuyến đường thủy nội địa hiện đã cơ bản hoàn thiện, chúng tôi sẽ chủ trương nâng cấp các tuyến trọng điểm như: Hành lang Duyên hải, TP Hồ Chí Minh – Cà Mau, Hải Phòng – Việt Trì, Quảng Ninh – Móng Cái…”, ông Giang cho biết.

Tái cơ cấu là nhu cầu tất yếu

Cùng với ĐTNĐ, các lĩnh vực khác cũng đang nỗ lực tái cơ cấu và coi đây là nhu cầu tất yếu để tăng năng lực, đồng thời san sẻ gánh nặng cho đường bộ. Với lĩnh vực đường sắt, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, thời gian qua, Cục Đường sắt VN và Cục Hàng hải VN đã tiến hành rà soát các cảng có kết nối với đường sắt để thực hiện việc đưa đường sắt vào các cảng biển, tạo sự kết nối. Cục sẽ đề xuất Bộ GTVT giao các Cục rà soát quy hoạch các cảng đường biển và đường sông cần thiết phải kết nối với đường sắt để có thể đưa đường sắt vào lấy hàng tại cảng. Cùng đó, ngành Đường sắt cũng triển khai Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý kinh doanh vận tải, tăng số đội tàu hàng chạy chuyên tuyến vận chuyển xăng dầu, container, hàng nông sản, mở thêm các điểm dỡ hàng và tăng cường các phương tiện xếp dỡ cơ giới để tăng năng lực dỡ hàng, ưu tiên đóng mới toa xe chuyên dụng chở container…

Đối với hàng không, Bộ GTVT đã mở rộng mạng đường bay, tăng năng lực khai thác các cảng hàng không, sân bay. Bên cạnh đó, lộ trình tự do hóa khai thác thương quyền vào các hiệp định song phương và đa phương cũng được triển khai. Để nâng cao chất lượng phục vụ, khuyến khích người dân đi máy bay, Bộ GTVT đã tăng cường công tác quản lý giá, phí dịch vụ hàng không, phi hàng không và mở nhiều tuyến vận tải liên vận quốc tế. Vì thế, năm 2015, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của hàng không lên tới 40,1 triệu khách, tăng 21,2% so với năm 2014. Vận chuyển hàng hóa là 771 nghìn tấn, tăng 4,1% so với năm 2014.

Tiến Mạnh

Báo giao thông