Được và mất
Tính đến 30.9.2015 các cảng vụ đường thủy nội địa, Cảng vụ Hàng hải đã làm thủ tục cho 6.346 lượt phương tiện mang cấp VR-SB vào và rời cảng, bến thủy nội địa, cảng biển với 6.099.796 tấn hàng hóa được vận chuyển, các mặt hàng chủ yếu được vận chuyển trên tuyến ven biển gồm: than, xỉ than, đá, đất, sắt, phân bón, xi măng, quặng, dầu FO… Tăng hay giảm khi trước/sau công bố tuyến VTVB thì chưa ai đánh giá?
Để phục vụ cho tuyến vận tải ven biển này, tính đến 30.9.2015, Cục Đường thủy Nội địa VN đã tổ chức 20 khóa học, cấp chứng chỉ cho 727 thuyền viên điều khiển phương tiện đi trên tuyến VTVB, (năm 2010 – 2014 tổ chức 9 khóa 400 học viên, năm 2015 tổ chức 11 khóa 327 học viên).
Từ khi công bố tuyến VTVB (tháng 7.2014) đến 30.9.2015 đã có 593 phương tiện thủy được Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện mang cấp VR-SB hoạt động trên tuyến, trong đó có 17 phương tiện chở container (năm 2014 là 105 chiếc và từ đầu năm 2015 đến nay là 488 chiếc).
Các mặt hàng chuyên chở bằng tàu mang cấp VR-SB đi từ các cảng phía Bắc vào miền Trung là than các loại, thiết bị, máy móc… và ngược lại là các loại đất, đá, quặng. Tuyến VTVB phía Nam các loại hàng bách hóa, đa dạng hơn và cũng có một số tàu tham gia vận chuyển khách du lịch nhưng rất ít chuyến.
Sau một năm triển khai tuyến VTVB, đã xảy ra 05 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến phương tiện VR-SB trong quá trình hoạt động trên tuyến; trong đó, 1 trường hợp tàu bị đắm, 2 trường hợp tàu mắc cạn, 2 trường hợp tàu gặp sự cố. Nguyên nhân do gặp thời tiết xấu, phương tiện hoạt động không đúng tuyến luồng được công bố. Các phương tiện gặp nạn đã được Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải, các cơ quan chức năng có liên quan và ngư dân cứu nạn kịp thời, đảm bảo an toàn về người.
Những khó khăn bất cập
Theo các chuyên gia vận tải thủy, hiện nay, việc giải quyết thủ tục cho phương tiện thủy Nội địa mang cấp tàu VR-SB được thực hiện theo quy định tại Điều 17, Điều 18 của Thông tư số 10.2013.TT-BGTVT ngày 08.5.2013 của Bộ GTVT về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21.2012.NĐ-CP ngày 21.3.2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.
Tuy nhiên, do tàu được miễn thông báo tàu, xác báo tàu đến cảng, không phải nộp bản khai chung. Mặc khác, công tác tìm kiếm cứu nạn đối với tàu VR-SB gặp nhiều khó khăn do thiếu các thông tin liên lạc với tàu, chủ tàu; thiếu thông tin để điều động, hướng dẫn tàu thuyền ra vào luồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn hàng hải.
Thuyền viên, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, đây là điều đáng lo ngại. Thường thì các thuyền viên tàu VR-SB chưa chú trọng học tập lấy chứng chỉ điều khiển phương tiện VTVB. Các chủ tàu chưa thực sự quan tâm, bố trí thuyền viên đáp ứng đủ các yêu cầu trong mỗi ca làm việc trên tàu dẫn đến khi triển khai tuyến, vấn đề định biên an toàn tối thiểu đối với thuyền viên trên phương tiện VR-SB thực hiện theo Quyết định số 28.2004.QĐ-BGTVT ngày 07.12.2004 và Thông tư số 09.2012.TT-BGTVT ngày 23.3.2012 của Bộ GTVT. Do vậy đã có những khó khăn, lúng túng cho các Cảng vụ Hàng hải khi kiểm tra, cấp giấy phép rời cảng cho các phương tiện tàu VR-SB.
Theo ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải-Cục Hàng hải VN, theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 21.2012.NĐ-CP ngày 21.3.2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải, tàu thuyền VN chở khách, chở dầu, chở khí hóa lỏng, chở xô hóa chất có tổng dung tích từ 1.000GT trở lên; các loại tàu thuyền khác của VN có tổng dung tích từ 2.000GT trở lên bắt buộc phải sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải khi vào, rời cảng biển hoặc khi di chuyển trong vùng nước cảng biển của VN. Tuy nhiên, hiện nay còn có khu vực do có sự giao thoa giữa luồng đường thủy nội địa và vùng nước cảng biển nên việc quy định đón trả hoa tiêu gặp nhiều khó khăn. Bao giờ cũng vậy, nơi giao thoa, ranh giới dễ xảy ra tai nạn.
Tất nhiên sử dụng dịch vụ hoa tiêu là điểm các DN tham gia tuyến VTVB không mấy “mặn mà”, do lo ngại tăng chi phí vận tải.
Dù chưa đánh giá được đầy đủ nhưng hoạt động của các tàu VR-SB trên tuyến VTVB dự báo ngày càng phát triển, số lượng tàu ngày càng gia tăng, các tàu được đóng mới có trọng tải lớn… Điều đáng quan ngại là cơ sở hạ tầng của cảng, bến như: cầu bến, kho bãi, thiết bị bốc xếp, hệ thống hạ tầng kết nối, tuyến luồng còn hạn chế, quy mô đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Tình trạng một số cửa sông chưa được đầu tư nạo vét, bố trí phao tiêu, báo hiệu hướng dẫn luồng lạch ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an toàn và năng lực vận chuyển của các phương tiện VTVB.
Những khó khăn, vướng mắc này chắc chắn khó có thể khắc phục ngày một ngày hai.
Theo Ngô Đức Hành (Tạp chí Logistics Việt Nam)