(HQ Online)- Các DN logistics của Việt Nam đang dồn sức để đảm bảo cung ứng dịch vụ kịp thời, đầy đủ cho khách hàng dịp cuối năm.
Lượng hàng tăng
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng nửa đầu tháng 12-2015, trị giá hàng hoá NK của Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD, tăng 0,2% (tương ứng tăng 16 triệu USD) so với cùng kỳ tháng 11. Các nhóm hàng có kim ngạch tăng như máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, phương tiện vận tải khác và phụ tùng khác, ô tô nguyên chiếc các loại… Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá XK dù giảm 13,6% (tương ứng giảm 1,01 tỷ USD) so nửa cuối tháng 11 do việc XK các mặt hàng điện tử, máy móc, thủy sản giảm nhưng vẫn có nhóm hàng tăng như cà phê tăng 17 triệu USD, gạo tăng 16 triệu USD…
Điều dễ nhận thấy, các nhóm hàng XNK có kim ngạch tăng đều là những mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của thị trường cuối năm. Tuy không phải tăng đột biến nhưng cũng đã làm cho các DN logistics của Việt Nam phải tung hết nhân vật lực để phục vụ khách hàng. Ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế Interlog cho hay, trong mùa cao điểm này, Công ty phải huy động nhân viên làm việc thêm giờ, các phương tiện vận tải cũng chạy liên tục để đáp ứng kịp thời việc vận chuyển, XNK hàng hóa cho khách hàng.
Cũng nói về việc kinh doanh cuối năm, theo ông Ngô Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Thắng Lợi, lượng hàng hóa trong dịp cuối năm của Công ty tăng khoảng 20-30%, đa số là hàng NK. Mặc dù các DN logistics sẽ được hưởng lợi khi doanh thu tăng lên nhưng sẽ phải gặp một số khó khăn nhất định. Ví dụ như, Công ty chưa phát triển mạnh về vận tải trong nước nên khi làm dịch vụ hậu cần cho hàng hóa NK về, Công ty sẽ phải thuê lại phương tiện hay dịch vụ của các DN khác với giá cao hơn. Hơn nữa, với lượng hàng về nhiều, việc khai báo hải quan, làm thủ tục hay trong quá trình vận chuyển đôi khi sẽ gặp khó khăn, hàng nhiều có thể khiến ách tắc, gây chậm trễ với khách hàng.
Tuy nhiên, các DN đều cho biết, khi lượng hàng hóa tăng lên, phía khách hàng đều có kế hoạch và báo trước để DN chuẩn bị nên DN ít gặp phải trường hợp bị động, không phục vụ kịp khách hàng. Ông Nguyễn Duy Minh cho rằng, hiện các dịch vụ, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành logistics đã có nhiều thay đổi, các DN trong ngành có số lượng đông đảo, đủ mọi loại hình dịch vụ nên DN logistics hoạt động được thuận lợi hơn, nhất là trong các dịp cao điểm.
Chấp nhận chịu lỗ
Mặc dù việc khách hàng tăng lượng hàng trong dịp này đã có sự báo trước, nhưng cũng có nhiều trường hợp, khách hàng tăng đột biến khiến DN logistics phải tự tìm cách xoay xở để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Chia sẻ về khó khăn này, theo ông Ngô Thế Hùng, mặc dù xét về lý, việc này có lỗi từ phía khách hàng, nhưng 2 bên đã thỏa thuận với nhau về mặt giá cả trong hợp đồng nên DN không thể tăng giá hay từ chối cung cấp. Vì thế, để giữ chân khách hàng và cũng là để tạo uy tín DN, Công ty phải tự bỏ thêm chi phí thực hiện, hoặc nếu thời gian quá gấp, điều kiện DN không đủ thì Công ty phải đi thuê ngoài. Cách làm này có thể còn khiến DN phải chịu lỗ, nhưng cũng đành chấp nhận.
Như vậy, một lần nữa, việc liên kết giữa các DN logistics lại được đặt ra, đặc biệt với những thời điểm hàng hóa có sự tăng lên. Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam có hơn 1.200 DN trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ logistics, tập trung chủ yếu tại khu vực TP.HCM và Hà Nội. Trong đó, hơn 70% là các đại lý vận tải nội địa với quy mô vừa và nhỏ, 30% DN logistics đa quốc gia còn lại đang chi phối tới 80% thị phần của ngành. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực logistics, sự liên kết giữa các DN này còn lỏng lẻo nên góp phần khiến chi phí logistics của Việt Nam tăng thêm.
Bên cạnh chi phí tăng thêm do lượng hàng tăng, các DN logistics còn phải chịu nhiều loại phí khác cũng tăng lên vào mùa cao điểm. Bà Bùi Mai Lan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Con đường sáng (Bright way) cho biết, năm nay các DN được lợi nhiều do giá dầu xuống thấp kỷ lục, nên giá các dịch vụ trong logistics chỉ tăng 15-20%. Nếu không, như mọi năm, có thời điểm giá các loại dịch vụ tăng lên 40%. Điều này dù ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của DN nhưng DN đã có sự tính toán để phải chịu ảnh hưởng ít nhất.
Những tình hình trên cho thấy, các DN logistics Việt Nam vẫn còn nhiều bị động và đang phải hoạt động theo kiểu “có đâu đánh đấy” để giữ chân khách hàng một cách tốt nhất. Do đó, trong thời gian tới, các DN ngành này cần nhiều cải thiện hơn để không chỉ trong thời gian cao điểm mùa vụ, mà những thời gian khác trong năm đều có đầy đủ cơ sở hạ tầng, nhân lực phục vụ khách hàng.