Vì đâu Trung Quốc phạt nặng các hãng vận tải biển nước ngoài?

Cuối tháng 12/2015, giới chức Trung Quốc phạt 8 hãng vận tải biển nước ngoài với tổng số tiền 407 triệu Nhân dân tệ.

Vì đâu Trung Quốc phạt nặng các hãng vận tải biển nước ngoài?

Hãng EUKOR Car Carriers của Hàn Quốc chấp nhận nộp phạt hơn 43 triệu USD.

Cuối tháng 12/2015, giới chức Trung Quốc phạt 8 hãng vận tải biển nước ngoài với tổng số tiền là 407 triệu Nhân dân tệ (NDT – tương đương 62,8 triệu USD) vì thao túng giá.

Phạt đến 9% doanh thu

Trong một tuyên bố, Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc (NDRC) – cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của nước này, đồng thời là một trong những cơ quan có nhiệm vụ giám sát các vụ kiện liên quan tới vấn đề độc quyền – xác nhận một số hãng bị phạt lần này là Nippon Yusen KK, Mitsui OSK lines, Kawasaki Kisen Kaisha, Eastern Car Liner Ltd của Nhật Bản, EUKOR Car Carriers của Hàn Quốc, Wallenius Wilhelmsen Logistics AS – liên doanh của Na Uy và Thụy Điển, Compania Sudamericana de Vapores (CSAV) và 1 công ty vận tải khác của Chile.

NDRC cáo buộc các công ty trên thông đồng với nhau để nâng chi phí vận chuyển và sử dụng các hình thức gian lận trong việc ấn định giá, phần lớn là trên các tuyến đường vận chuyển giữa Trung Quốc với Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Âu.

Theo giới chức Bắc Kinh, những hành vi này đã vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc và “gây tổn hại tới lợi ích” của các nhà xuất – nhập khẩu Trung Quốc. Mức tiền phạt được đưa ra dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014 của các hãng với đối tác Trung Quốc, dao động trong khoảng từ 4-9% tổng doanh thu.

Chấp nhận nộp phạt

Các công ty nằm trong danh sách của Trung Quốc có những phản hồi ngay sau khi quyết định phạt tiền được đưa ra. Trong một tuyên bố đăng trên website của mình, EUKOR Car Carriers cho biết chấp nhận quyết định của NDRC và sẽ nộp phạt 284,7 triệu NDT (43,7 triệu USD) – mức cao nhất trong số các công ty bị phạt tiền, đồng thời sẽ xem xét điều chỉnh các quy định về giá.

Công ty CSAV của Chile cũng là công ty vận tải biển lớn nhất và lâu đời nhất Mỹ Latin, cũng đồng ý nộp phạt gần 500.000 USD. Theo phía cơ quan điều tra Trung Quốc, CSAV đã thông đồng với những công ty khác thao túng giá vận chuyển ô tô, xe tải và máy cơ khí xây dựng từ năm 2008 đến năm 2012 trên 5 tuyến vận chuyển. CSAV từng bị chính phủ Mỹ điều tra tương tự và tháng 2/2014, CSAV đã phải nộp phạt 9 triệu USD cho Mỹ.

Việc điều tra thao túng giá đối với các công ty vận tải biển nước ngoài là một phần trong chiến dịch chống độc quyền ở Trung Quốc trong mấy năm gần đây.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh công tác điều tra các công ty nước ngoài hoạt động trong nước trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ đến sản xuất ô tô.

Trước đó, hồi tháng 2, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới Qualcomm của Mỹ đã chấp thuận nộp phạt gần 1 tỷ USD để dàn xếp một vụ kiện chống độc quyền ở Trung Quốc kéo dài suốt hơn một năm qua.

Yoshihisa Inmasu, Giám đốc điều hành bộ phận các vấn đề chung của Công ty Eastern Car Liner cho biết, công ty này “sẽ chấp nhận hình phạt ngay lập tức” và sẽ điều chỉnh một cách nghiêm túc các chính sách áp giá. Kawasaki Kisen Kaisha cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Còn Nippon Yusen KK thì cho biết, đã hợp tác một cách đầy đủ với cơ quan điều tra Trung Quốc và được miễn nộp phạt. Người phát ngôn Mitsui OSK lines từ chối bình luận. Còn các công ty khác vẫn chưa hồi đáp.

Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức thân cận với vụ điều tra các công ty vận tải biển nước ngoài cho biết, cuộc điều tra về thao túng giá của Trung Quốc tập trung vào các công ty như: Mitsui OSK lines, Kawasaki Kisen Kaisha và Nippon Yusen KK vì những công ty này kiểm soát phần lớn thị trường Trung Quốc. Quan chức này không tiết lộ danh tính vì các cuộc điều tra vẫn chưa được công bố.

Vụ phạt tiền các hãng vận tải biển nước ngoài của Trung Quốc xảy ra chỉ 2 năm sau một vụ điều tra tương tự của Liên minh châu Âu và một vụ điều tra của Ủy ban công bằng thương mại Nhật Bản hồi năm 2013. Khi đó, các cơ quan chức năng Nhật Bản đã khám xét đột ngột 5 công ty vận tải biển với cáo buộc đã thông đồng nâng giá vận chuyển ô tô con. Sau đó, tháng 1/2014, Nippon Yusen KK và Kawasaki Kisen Kaisha đã bị phạt tiền liên quan đến vụ việc này.

Thùy Linh