Càng “ông lớn” giá cước càng cao
Từ đầu năm đến nay, xăng đã 7 lần giảm tổng cộng 5.586 đồng/lít. Cùng với đó, cũng đã có 4 lần tăng với mức 5.040 đồng/lít, hiện giá xăng chỉ còn hơn 17.300 đồng/lít, mức khá thấp. Tuy nhiên, theo ghi nhận, vận tải khách bằng taxi chưa có dấu hiệu giảm giá, dù mức giá đang neo khá cao.
Điển hình như taxi Group, giá cước mở cửa cho 300 m đầu tiên là 12.000 đồng, từ km tiếp theo đến km thứ 32 là 14.400 đồng/km; với xe Innova 8 chỗ mức cước còn cao hơn, 15.900 đồng/km. Tương tự, với hãng taxi Mai Linh, mặc dù giá mở cửa cho 500 m đầu chỉ 10.000 đồng, nhưng từ km tiếp theo là 15.100 đồng/km. Như vậy, taxi Mai Linh hiện có mức cước cao nhất thị trường Hà Nội. Đối với các hãng taxi khác như Thành Công, ABC, VIC taxi… giá cước hiện dao động 11.000 – 12.000 đồng/km.
Giá xăng giảm mạnh nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa chịu giảm cước. |
Theo tính toán, một taxi chạy 100 km trên đường phố Hà Nội tiêu thụ hết 7-9 lít xăng, tùy loại xe. Mỗi ngày, lái xe chạy trung bình 100-150 km. Với giá xăng giảm mạnh liên tiếp trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp vận tải taxi đang thu lời lớn từ người tiêu dùng.
Doanh nghiệp hứa hẹn sẽ giảm
Ông Hồ Quốc Phi, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, cho biết, HĐQT Công ty vừa có quyết định giao cho các Ban chuyên môn nghiên cứu, tính toán việc giảm giá cước taxi trong thời gian tới. “Chắc chắn với đợt giảm giá xăng lần này, taxi Mai Linh sẽ giảm cước. Nhưng mức giảm bao nhiêu thì phải tới ngày 7/9, HĐQT họp rồi mới đưa ra quyết định”, ông Hồ Quốc Phi thông tin.
Còn ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ taxi ABC, cho hay, hiện giá cước taxi của hãng đang ở mức 11.000 đồng/km. “Khi xăng tăng giá, taxi ABC vẫn giữ nguyên mức cước, nên bây giờ xăng giảm giá thì chúng tôi cũng chưa có lộ trình để giảm cước. Hơn nữa, so với hồi đầu năm, giá xăng mới giảm khoảng hơn 500 đồng/lít, khi nào xăng giảm sâu hơn nữa thì ABC sẽ tính đến việc giảm giá cước”, ông Hải cho hay.
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng, những doanh nghiệp taxi đã tăng cước ở những lần xăng dầu tăng giá trước đó thì phải giảm cước trong lần này, đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng. Còn những doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước từ đầu năm đến nay thì có thể cân đối phù hợp với tình hình kinh doanh của mình, để quyết định giảm giá hay không. Bộ Tài chính, Sở Tài chính các địa phương có thể kiểm soát được việc kê khai giá của các doanh nghiệp taxi…
Liên quan đến việc có hay không một số “ông lớn” taxi bắt tay nhau trong việc tính toán giảm giá cước, ông Thanh cho rằng, doanh nghiệp có quyền tham khảo thông tin lẫn nhau. “Bắt tay nhau trong việc điều chỉnh giá cước là hành vi vi phạm và phải có văn bản, bằng chứng mới có thể kết luận được họ có bắt tay hay không”, ông Thanh bày tỏ.
Còn ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải khẳng định: “Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu các Sở GTVT địa phương phối hợp với Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan tiến hành kê khai giá cước; yêu cầu các Sở GTVT báo cáo lên Bộ GTVT trước ngày 30/9 để có hướng điều chỉnh tiếp theo”.
Lý do mà các hãng taxi đưa ra để trì hoãn cho việc chậm giảm giá cước là việc điều chỉnh mất thời gian, tốn kém tiền bạc, như toàn bộ các xe sẽ phải dừng lại để kẹp chì đồng hồ, thay đổi bảng giá… với chi phí khoảng 200.000 đồng một xe. Tuy vậy, mỗi lần tăng giá taxi thì lại không thấy các doanh nghiệp vin vào cớ này mà lại nhanh chóng tăng cước để bù lỗ xăng dầu.
Bộ GTVT và Bộ Tài chính dù đã có động thái để đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng nhưng dường như mọi sự vẫn không có tiến triển, người tiêu dùng vẫn phải đi lại với cước taxi cao chót vót, trong khi giá xăng dầu đã hạ rất thấp.