Cần có thêm các “đối thủ” như Uber, GrabTaxi

ANTĐ – Hoạt động kinh doanh vận tải hiện nay là thị trường cạnh tranh, Nhà nước không định giá mà để cho thị trường quyết định. Trong giá cước vận tải, chi phí xăng, dầu chiếm từ 25-35%, thậm chí cao hơn tùy từng loại hình. Trong bối cảnh giá xăng dầu thời gian vừa qua giảm mạnh và tiếp tục giảm trong ngày 3-9, chỉ có rất ít doanh nghiệp lên phương án điều chỉnh giảm giá cước. Nguyên nhân khiến giá cước không điều chỉnh giảm, cần xem xét, làm rõ có hay không việc doanh nghiệp liên kết với nhau để giữ giá. 

ngo-tri-long

TS Ngô Trí Long – Chuyên gia kinh tế

Cơ chế quản lý giá cước hiện còn bất cập và phức tạp, doanh nghiệp khi điều chỉnh giá phải báo cáo, trình lên, trình xuống với nhiều thủ tục phiền hà. Vin vào cớ đó, khi xăng dầu tăng thì doanh nghiệp khẩn trương thực hiện, nhưng ngược lại khi giá xăng dầu giảm, vì lợi nhuận nên doanh nghiệp chây ỳ. Chỉ khi cơ quan chức năng làm mạnh hoặc công luận, người tiêu dùng lên tiếng mạnh mẽ doanh nghiệp mới nhúc nhích.

Với những nguyên nhân đó, trước hết cần tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi. Ví dụ như đối với taxi cần có thêm những “đối thủ” như Uber, GrabTaxi… Bởi chỉ khi trên thị trường có đối thủ cạnh tranh về giá một cách mạnh mẽ thì doanh nghiệp mới điều chỉnh giảm. Thứ hai là người tiêu dùng cũng có thể đưa ra biện pháp tẩy chay. Còn phía Nhà nước, cơ chế quản lý cũng cần bớt rườm rà để doanh nghiệp thay đổi giá cước ăn nhập với diễn biến giá xăng dầu.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải có cơ chế phù hợp với quy tắc thị trường, tạo môi trường cạnh tranh thực sự và để doanh nghiệp tự do cạnh tranh. Mặt khác phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, tập trung vào các doanh nghiệp lớn, nếu giá cước của các doanh nghiệp này điều chỉnh sẽ tác động tới các doanh nghiệp khác.