Đường sắt Việt Nam và Tân Cảng Sài Gòn cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch của của nhau bằng việc kết nối đường sắt với các trung tâm logistics, ICD, cảng biển.
Theo mục tiêu chiến lược được đề ra giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) trong hợp tác khai thác dịch vụ logistics, hai bên đã nhất trí sẽ kết nối đường sắt với các trung tâm logistics, ICD, cảng biển theo “Chiến lược phát triển giao thông vận tải, đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/2/2015.
Theo đó, hai Tổng Công ty sẽ cùng xây dựng chương trình hợp tác, phù hợp với khả năng và mong muốn của mỗi bên theo từng giai đoạn cụ thể; Cam kết ưu tiên sử dụng các sản phẩm dịch của của nhau nhằm khai thác tối đa tiềm năng sẵn có để tăng hiệu quả kinh doanh…
Ông Bùi Sỹ Tuấn, Phó Tổng giám đốc SNP cho biết, SNP là nhà khai thác cảng biển chuyên nghiệp và hàng đầu tại Việt Nam với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 85% khu vực phía Nam và gần 50% thị phần cả nước. Hệ thống cảng của SNP phân bổ khắp cả nước, trong đó cụm cảng phát triển chính là cảng Tân Cảng – Cát Lái và cảng Tân Cảng – Cái Mép tại khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong chiến lược xây dựng hệ thống kết nối Logistics hoàn chỉnh, SNP đã và đang mở rộng các cơ sở hạ tầng hậu cảng, tiêu biểu là ICD Tân Cảng – Sóng Thần (Bình Dương), ICD Tân Cảng – Long Bình (Đồng Nai), tập trung vào dịch vụ kho bãi và trung tâm phân phối hàng hóa.
Trong khi SNP có kinh nghiệm về vận chuyển quốc tế, thì lợi thế của VNR là có hệ thống cơ sở hạ tầng trải dài từ Bắc vào Nam, và dễ dàng liên kết với các cửa ngõ biên giới phía Tây.
Ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, trong bối cảnh VNR đang đẩy mạnh hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động vốn xã hội cho việc đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, việc hợp tác với SNP sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên và xã hội thông qua hoạt động hợp tác phát triển dịch vụ logistics./.
Nguyễn Quỳnh
VOV.VN