Phát triển cảng trung chuyển ở Việt Nam

Việt Nam nằm trong vùng hàng hải sôi động nhất Châu Á – Thái Bình Dương, do đó, việc xây dựng một cảng trung chuyển là hoàn toàn hợp lý. Điều này giúp Việt Nam thu thêm ngoại tệ và giúp giảm chi phí trung chuyển cho hàng hóa xuất nhập khẩu (đặc biệt là hàng xuất khẩu) trong nước, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực, việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển ở Việt Nam cần lưu ý thực hiện tốt các vấn đề sau.

Về cơ cấu quản lý và điều hành hoạt động

Học tập mô hình tổ chức của cảng PSA (Singapore) theo hình thức hoạt động dưới sự quản lý của khối tư nhân nhưng vẫn thuộc sở hữu Nhà nước để tạo tính linh động và hiệu quả trong hoạt động mà vẫn không làm mất đi sự kiểm soát của Nhà nước. Chính khả năng quản lý yếu kém của Vinalines, nhà đầu tư chính trong giai đoạn đầu của dự án và hoạt động với tính chất của một công ty Nhà nước đã khiến dự án bị đình trệ, bỏ lỡ thời cơ phát triển và cạnh tranh với các cảng khác trong khu vực. Kiến nghị thực tiễn là nên bàn giao dự án cho các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức BOT, mặc dù mất đi quyền thực hiện dự án nhưng vẫn sẽ tận dụng được tiềm năng để xây dựng và phát triển một cảng trung chuyển container quốc tế của VN.

Ứng dụng  công nghệ hiện đại

Công nghệ hiện đại chính là mấu chốt trong hệ thống quản lý giúp cho mọi hoạt động dịch vụ được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng. Nhất là trong giai đoạn công nghệ thông tin (CNTT) trên thế giới phát triển mạnh, việc áp dụng công nghệ hiện đại càng là yêu cầu cấp bách với VN. Việc này sẽ giúp VN chủ động hơn trong quản lý bằng các hệ thống quản lý thông tin điện tử, hải quan điện tử và tiến tới tự động hóa trong mọi khâu hoạt động.

Biện pháp thứ hai trong áp dụng công nghệ hiện đại là cần khẩn trương triển khai việc đầu tư hệ thống liên kết và đồng bộ hóa thông tin tại các cơ quan chức năng chuyên ngành theo hướng hiện đại hóa và chuyên dụng hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động hàng hải – thương mại (nhất là các doanh nghiệp cảng, đại lý, chủ hàng xuất nhập khẩu, chủ tàu…) đầu tư lắp đặt, phát triển hệ thống quản lý thông tin doanh nghiệp kết nối trực tiếp với hệ thống thông tin của các cơ quan quản lý tại cảng.

Hệ thống trao đổi thông tin của cảng này sẽ phát huy lợi ích của các cơ sở hạ tầng khác, cập nhật thông tin nhanh nhạy, nắm bắt được các thông tin về các hoạt động thương mại có liên quan, đẩy nhanh thời gian thực hiện các dịch vụ. Chức năng chính của CNTT này là giúp cho cảng luôn theo sát thông tin về hàng hóa. Hệ thống CNTT quản lý tại bãi container sẽ giúp quản lý số lượng container trong kho bãi, tình hình giao nhận container và hệ thống bốc xếp hàng hóa.

Phát triển cảng trung chuyển ở Việt Nam

Đơn giản hóa thủ tục hải quan

Thủ tục tàu ra vào cảng là bước đi đầu tiên thể hiện chất lượng phục vụ của cảng với tàu và hàng hóa. Trong điều kiện hiện nay, khi chất lượng dịch vụ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế, thủ tục rườm rà của hệ thống cảng biển nước ta là một vướng mắc lớn cần được gỡ bỏ. Hơn nữa, trong xu thế tự do thương mại và hội nhập trên toàn thế giới, vấn đề này chính là một rào cản lớn cho việc hội nhập của hoạt động cảng biển nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Thứ nhất, về các cơ quan chức năng của Nhà nước liên quan tới tàu ra vào cảng gồm 6 cơ quan khác biệt, trụ sở khác nhau, do đó khi tiến hành kiểm tra làm thủ tục dễ gây chồng chéo về các giấy tờ, mất thời gian cho khâu làm thủ tục. Nếu 6 cơ quan này tập trung về một mối tại cảng thì việc tiến hành kiểm tra với tàu sẽ thống nhất và thuận tiện hơn. Biện pháp này có thể được thực hiện dưới hình thức thành lập ra một bộ phận của cảng có chức năng kiểm tra giám định mọi mặt đối với các tàu ra vào cảng. Bộ phận này có đại diện của cả 6 cơ quan chức năng trước đây. Khi đó mọi giấy tờ thủ tục của tàu ra vào cảng sẽ được tập trung về một mối, việc tiến hành thủ tục thống nhất sẽ thuận tiện, nhanh chóng và tiết kiệm hơn cho chủ tàu và chủ hàng. Đồng thời về phía Nhà nước cũng quản lý được thống nhất hơn mọi mặt, dễ thâu tóm và ra quyết định nhanh hơn.

Thứ hai, về mặt giấy tờ, cần đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu giấy tờ xuất trình, cụ thể là đại diện chức năng nào thì chỉ quản lý những giấy tờ liên quan đến đúng
chức năng đó, tránh chồng chéo gây phiền hà và mất thời gian cho chủ tàu.

Thứ ba, cần quy định rõ thời hạn và địa điểm làm thủ tục, tạo tính nghiêm túc và trách nhiệm hơn cho cả chủ tàu, chủ hàng và cơ quan chức năng trong quá trình làm thủ tục, tăng hiệu quả của quá trình làm thủ tục cho tàu ra vào.

Ngoài ra, các hãng tàu rất chú trọng đến khả năng kí kết hợp đồng dài hạn với nhà cung cấp dịch vụ cảng biển nhằm ổn định chi phí đầu vào. Điều kiện này đòi hỏi cảng biển phải cam kết cung cấp dịch vụ ổn định trong thời gian dài. Tuy không khó thực hiện nhưng đòi hỏi cần có đầy đủ cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý đồng bộ. Vì vậy, VN có thể tận dụng hình thức hợp tác góp vốn để tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật ban đầu và thỏa thuận điều kiện sử dụng bến cảng trong một khoảng thời gian nhất định, đồng thời cho đấu thầu các gói dịch vụ để một mặt đạt được thỏa thuận dài hạn với các hãng tàu và mặt khác có thể kiểm soát được các điều kiện sử dụng bến cảng của họ. Điều này phần nào khắc phục được hạn chế về cơ sở hạ tầng trong thời gian đầu, tuy nhiên cũng làm giảm khả năng cung cấp dịch vụ cho nhiều hãng tàu khác nhau.

 

ThS. Nguyễn Thị Huyền Trân & Đinh Bá Minh Quân
Vietnam Logistics Review