Vận tải xuyên biên giới tiếp tục gặp khó

Sự kiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm 2015 đã nâng cao vai trò vận tải đường bộ trong việc kết nối xuyên biên giới giữa các quốc gia trong khu vực. Việt Nam có đường biên giới kết nối với nhiều nước trong khu vực, có các khu cảng nước sâu nằm trên đường vận chuyển của các tuyến hải trình quốc tế lớn nên vận tải xuyên biên giới càng có vai trò đặc biệt.

Mở rộng giao thông cửa khẩu

Hiện nay, VN đã tăng cường đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối với các nước trong khu vực. Cụ thể để kết nối với Trung Quốc có Quốc lộ 18 đến cửa khẩu Đông Hưng (Quảng Ninh), Quốc lộ 1 đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), Quốc lộ 3 đến cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng), Quốc lộ 70 đến cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai). Ngoài 4 cửa khẩu có lưu lượng phương tiện lưu thông cao kể trên, còn một số cửa khẩu đã được thông xe nhưng số lượng phương tiện lưu thông thấp như cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), Ma Lu Thàng (Lai Châu).

Đối với Lào, VN đã đầu tư nhiều tuyến đường khá hiện đại để giao thông giữa hai nước được thuận lợi như Quốc lộ 279 đến cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên), Quốc lộ 27 đến cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Thanh Hóa), Quốc lộ 8 đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Quốc lộ 12 đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình), Quốc lộ 9 đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), Quốc lộ 18 đến cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum).

Giao thông đường bộ với Campuchia cũng tương đối thuận lợi. Từ Quốc lộ 22 đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Quốc lộ 90 đến cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) rồi từ đó đi tiếp sang Campuchia khá dễ dàng. Hiện tại, giữa VN và Campuchia, xe chở hàng hóa có thể thông thương qua 5 cửa khẩu gồm Mộc Bài, Xà Xía (Tây Ninh); Hoa Lư (Bình Phước); Tịnh Biên (An Giang); Hà Tiên (Kiên Giang).

Vận tải xuyên biên giới tiếp tục gặp khó

Hiện thực báo động

Đến nay, vận tải hàng hóa cũng như hành khách qua lại giữa VN và các nước rất thuận tiện, không giới hạn giấy phép, không giới hạn lượng phương tiện, thủ tục qua lại biên giới được thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động vận tải xuyên biên giới vẫn còn nhiều khúc mắc chưa được giải quyết.

Hội nhập sâu trong khu vực đã dẫn đến sự tăng trưởng về phương tiện một cách ồ ạt. Lượng xe tại thời điểm này có mức độ tăng trưởng đột biến, người người làm vận tải, nhà nhà làm vận tải và các DN vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp về dịch vụ vận chuyển khiến cho lượng hàng hóa vốn đã khan hiếm nay lại càng khó khăn hơn từ đó xuất hiện những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Điển hình như, hàng hóa từ VN đi các nước trong khu vực như Lào, Campuchia thì luôn có hàng, nhưng chiều ngược lại, chúng ta hầu hết vận chuyển container rỗng gây nhiều lãng phí. Điều này tác động trực tiếp đến chất lượng dịch vụ của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Một thực tế khác là nhiều điều khoản trong lộ trình tính thuế cho DN vận tải chưa nhuần nhuyễn và thiếu đồng bộ. Lệ phí, lộ phí cầu đường hiện nay không được tính vào chi phí hay cách tính tiêu hao nhiên liệu còn bất cập gây nhiều tranh cãi không xác định được đúng, sai.

Đặc biệt, việc phân luồng làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu chưa được chuyên nghiệp, ví dụ như: Xe đến trước bị vướng giấy tờ thông quan, trong khi xe sau đã hoàn tất các thủ tục thì vẫn phải đứng đợi gây ách tắc kéo dài ở các cửa khẩu. Điều nay cũng gây rất nhiều tranh cãi giữa cơ quan quản lý nhà nước với các DN. Ngoài ra, DN còn đang phải chịu quá nhiều áp lực từ phía lực lượng quản lý thị trường trong quá trình vận chuyển.

Hiện nay, ngành vận tải xuyên biên giới đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, phải gồng mình chống chọi với nhiều áp lực. Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của phương tiện dẫn đến việc cạnh tranh gay gắt giữa các lực lượng vận tải, thiếu chặt chẽ, đồng bộ trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ. Để đánh giá đúng thực trạng ngành vận tải trong công tác tổ chức quản lý hoạt động vận tải hiện nay, cần xác định được những mặt ưu và khuyết, trên cơ sở đó tìm ra những nguyên nhân, các giải pháp khắc phục và đề ra những kế hoạch cụ thể đặc biệt lưu ý đến vấn đề tổ chức hội thảo, lấy ý kiến về việc xây dựng giá sàn để ngành vận tải VN minh bạch, hiệu quả và phát triển bền vững.

Vĩnh Trí
Vietnam Logistics Review