Xin giấy phép nhập khẩu là một trong những việc phải làm, nếu mặt hàng bạn muốn nhập khẩu thuộc diện phải có giấy phép.
Việc tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ có thể được tiến hành trước khi chính thức giao dịch với đối tác nước ngoài.
Tại sao?
Bởi vì, việc tìm hiểu và chuẩn bị đủ các điều kiện để xin giấy phép thường mất nhiều thời gian. Khi biết chắc sẽ xin được giấy phép, lúc đó chủ hàng mới đàm phán chính thức với đối tác cũng chưa muộn. Hoặc có thể tiến hành song song, nhưng không chốt hợp đồng cho đến khi giải quyết xong vấn đề xin phép cơ quan chức năng để được nhập khẩu mặt hàng nào đó.
Trong một số trường hợp do sơ suất hoặc chủ quan, chủ hàng ký hợp đồng mua bán với phía nước ngoài xong, có khi hàng lên tàu về Việt Nam, hoặc thậm chí về đến cảng rồi mới biết hàng phải có giấy phép. Lúc đó mới tá hỏa lên đi lo làm thủ tục thì cũng đã bị trễ rồi.
Việc lo thủ tục quá gấp gáp sẽ mệt mỏi, tốn kém chi phí. Tệ hơn, là không xong đúng như mong muốn, hoặc thậm chí không thể xin được giấy phép. Kết quả là bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc tái xuất hàng. Biết bao nhiêu lệ lụy kéo theo do thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng.
Vậy một câu hỏi lớn phải trả lời trước hết, đó là hàng của bạn liệu…
Có phải xin giấy phép không?
Bạn cần biết rõ hàng của mình có hoặc không cần giấy phép nhập khẩu. Trường hợp phải có giấy phép, bạn nên thu xếp càng sớm càng tốt. Hãy giữ chủ động!
Thường những mặt hàng có tính “nhạy cảm” là rất dễ phải có giấy phép. Chẳng hạn khi nhập thuốc bảo vệ thực vật, tem bưu chính, thuốc chữa bệnh cho người, thiết bị y tế v.v… là chắc chắn phải xin giấy phép rồi.
Để tra cứu chi tiết, bạn tìm đọc Nghị định 187/2013/NĐ-CP, nhân tiện có thể tìm hiểu luôn mức xử phạt nếu vi phạm, trong Nghị định 127/2013/NĐ-CP.
Nếu hàng thuộc diện phải xin phép thì bạn cần tìm hiểu tiếp …
Thủ tục xin Giấy phép nhập khẩu
Ở bước này, cần trả lời câu hỏi: phải xin giấy phép nhập khẩu ở đâu, và phải làm những thủ tục gì?
Thực ra không có câu trả lời thống nhất cho tất cả mọi loại hàng. Tùy vào mặt hàng nhập khẩu, nơi cấp phép khác nhau, mà hồ sơ và thủ tục cũng khác nhau.
Nghị định 187 đã quy định rõ mặt hàng nào phải xin giấy phép của Bộ ngành nào. Căn cứ vào đó, nhà nhập khẩu biết hướng giải quyết công việc.
Có một cách an toàn là tìm hiểu các văn bản hướng dẫn, rồi dựa theo đó mà làm. Ngoài ra, việc tham khảo những văn bản mới cập nhật, và kinh nghiệm của người khác cũng hết sức hữu ích và cần thiết.
Dưới đây là một số đường link đến các văn bản hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép với một số loại hàng liệt kê trong Nghị định 187.
- Nghị định 47/2011/NĐ-CP – Tem bưu chính
- Thông tư 14/2011/TT-BTTTT – Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện
- Thông tư 06/2006/TT-BYT, Mục III. 1 – Thuốc thành phẩm
- Thông tư 24/2011/TT-BYT – Trang thiết bị y tế
- Thông tư 40/2011/TT-BCT – Khai báo hóa chất nhập khẩu
- Thông tư 42/2013/TT-BCT – Tiền chất công nghiệp
- Thông tư 26/2012/TT-BCT – Tiền chất thuốc nổ
- Thông tư 88/2011/TT-BNNPTNT – Thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, động thực vật hoang dã, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản sống
- Thông tư 08/2006/TT-BYT: Vắc xin, sinh phẩm y tế; hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và trang thiết bị y tế
- Thông tư 06/2011/TT-BYT: công bố sản phẩm mỹ phẩm
Giấy phép nhập khẩu tự động
Là loại giấy tờ do Bộ Công Thương cấp cho thương nhân dưới hình thức xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu cho mỗi lô hàng.
Để làm gì? Về lý thuyết là để thống kê chính xác số lượng, chủng loại, trị giá hàng hoá nhập khẩu phục vụ công tác điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Nhà nước.
Nhưng liệu tác dụng thực tế có phải như vậy? Tìm câu trả lời trong bài viết Giấy phép nhập khẩu tự động.
Theo ContTrans