Xung quanh thông tin Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa có văn bản đề xuất gửi Bộ GTVT về việc xin nhượng bán nguyên trạng ụ nổi 83M của Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines (VNLSY) với mức giá 34,8 tỷ đồng, chiều ngày 26/2, chia sẻ với báo Đất Việt, GS.TS Ngô Cân, nguyên Viện trưởng Viện KHCN Tàu thủy cho biết:
“Không hiểu đây là giá bán sắt vụn hay giá bán ụ nổi có thể sử dụng được. Nếu mua mà bán sắt vụn thì không biết có thu được chừng ấy tiền không. Tuy nhiên, nếu mua để sử dụng thì không biết có ai mua không vì còn tốn rất nhiều tiền để sửa chữa.”
Theo GS.TS Ngô Cân: “Việc bán chiếc ụ nổi này thực ra người ta cũng muốn đi ra khỏi chuyện lùm xùm. Đây là việc gây sự chú ý của rất nhiều người đặc biệt của cơ quan quản lý nên cũng khó bán vì nếu ôm cục sắt gỉ này vào người có khi lại mang tiếng giúp Vinalines xử lý một vụ tai tiếng. Còn nếu nói tiếp tục cải hoán để khai thác thì chắc không có đâu. Một khi Vinalines đã nhả ra rồi thì cũng không có đơn vị nào muốn sửa chữa ụ nổi cỡ lớn như vậy”.
Cho biết thêm về việc này, ông Cân nói: “Vận tải thế giới đang khủng hoảng, đầy rẫy các phương tiện, nước ngoài cũng không bao giờ lôi một cục sắt về khi mà họ đã tống đi rồi”.
Có cùng quan điểm với GS Cân, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Cường – chuyên gia đóng tàu tại Ba Lan cũng cho biết: “Việc bán chiếc ụ nổi này có thể là do không sử dụng được nữa nên bán thu hồi được bao nhiêu thì được.
Tuy nhiên, để bán được còn phải phụ thuộc vào máy móc, hệ thống sửa chữa ở trong ụ nổi. Nếu bán cái ụ nổi này thì chỉ có ngành đóng tàu quan tâm thôi chứ chả có ai cần dùng đâu. Công dụng của ụ nổi này là nằm ở xa bờ tiện cho các tàu khác vào sửa chữa nhưng không phải đại tu mà chỉ tiểu tu thôi.”
Ông Cường nói thêm: “Theo tôi được biết, cái ụ nổi này cũng có thâm niên rồi, có khi đã đến lúc phải giải thể chứ để sử dụng thì cũng khó. Nếu không giải thể mà để ụ nổi cứ nằm chết một chỗ thì sẽ càng ngày càng hỏng. Đối tượng mua ụ nổi này có khi cũng phải rất hiểu điều kiện người ta mới mua còn không thì bán sắt vụn. Mặc dù giá rẻ nhưng nếu mua về thì liệu có sử dụng được không, muốn sử dụng thì phải đầu tư bao nhiêu tiền để sửa chữa.
Chính vì vậy việc bán chiếc ụ nổi này đã khó thì việc cải hoán là không thể được. Trong nước chưa chắc đã có người mua thì lấy đâu ra nước ngoài mua. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, ụ nổi này nếu được bên ngành du lịch hay đơn vị nào đó mua làm nhà hàng nổi có khi còn được. Nếu làm nhà hàng nổi thì cần xem xét, khảo sát kỹ phần sắt thép ở dưới nước cho kỹ càng, đảm bảo thì mới cải tạo được”.
Được biết, ụ nổi 83M hiện đang neo đậu tại cảng Gò Dầu B tỉnh Đồng Nai trong tình trạng chưa sửa chữa xong, bị đăng kiểm rút cấp từ tháng 01/2011, bảo hiểm hết hạn từ năm 2012, đăng ký tạm thời cũng đã hết hạn từ 24/06/2011. Tính đến nay, ụ nổi đã neo đậu tại cảng Gò Dầu B được hơn 6 năm và không hoạt động nên chi phí quản lý, bảo vệ ngày một tăng.
Căn cứ báo cáo tài chính của VNLSY tại thời điểm 31/12/2015, giá trị sổ sách của ụ nổi 83M là khoảng hơn 500 tỷ đồng (gồm 462,8 tỷ đồng giá trị tạm tính ụ nổi 83M bàn giao theo Quyết định số 688/QĐ-HHVN ngày 12/10/2010 và hơn 50 tỷ đồng chi phí neo đậu, tàu lai trực sự cố, bảo quản hàng tháng…. từ thời điểm bàn giao đến thời điểm 31/12/2015).
Trước thông tin ụ nổi 83M được Vinalines đề xuất nhượng bán, ngày 25/2, ông Lê Đức Bình, Giám đốc cảng Gò Dầu (thuộc Công ty CP Cảng Đồng Nai) cho biết đơn vị đã nắm được thông tin này và khẳng định đây là một tin vui đối vì một khi được nhượng bán, ụ nổi 83M sẽ được di dời khỏi cảng Gò Dầu.
Về chi phí trong thời gian ụ nổi 83M neo đậu tại cảng Gò Dầu suốt hơn 6 năm qua, theo ông Bình, thực tế cảng đã đóng công nợ đối với VNLSY từ lâu, người VNLSY đang nợ là Công ty dịch vụ hàng hải Việt Nam.
Thu Hoài
Báo Đất Việt