Infonet
Ông Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo như trên trong cuộc họp phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào chiều ngày 27/2 tại TP.HCM.
Xa lộ Hà Nội đoạn chạy qua quận Thủ Đức – cửa ngõ phía Đông Bắc TP.HCM.
Lan tỏa kiểu gì khi đến rìa lại tắc?
Sau khi nghe báo cáo về tình hình xây dựng các công trình giao thông, Bí thư Thăng đã yêu cầu Bộ GTVT cùng với Thành phố (TP) xác định lại cụ thể trong năm 2016 và đến năm 2020 sẽ khởi công và hoàn thành bao nhiêu công trình.
“Đưa ra mục tiêu, tiến độ cụ thể để phấn đấu và công khai cho toàn dân biết năm nay sẽ có bao nhiêu công trình đưa vào khai thác, 5 năm tới sẽ như thế nào. Như vậy người ta hình dung được bộ mặt giao thông của TP sau 5 năm. Làm như vậy chỉ có tốt lên thôi, tiến độ tốt lên, chất lượng tốt lên” – ông khẳng định.
Để làm được điều này, ông Thăng cho rằng TP cùng với Bộ GTVT phải cụ thể việc xã hội hóa đầu tư bằng các nguồn vốn (tỷ lệ các phần vốn ODA, ngân sách, doanh nghiệp…), và nếu cần thiết thì đi vay trong thời gian ngắn. Theo ông, việc phải trả lãi vẫn lợi hơn rất nhiều nếu để kéo dài thời gian khiến chi phí tăng lên, thậm chí người dân không nhận tiền đền bù nữa.
Thêm một việc theo ông Thăng cần khẩn trương đôn đốc là các dự án cửa ngõ của TP như đường cao tốc đi Phan Thiết, Liên Khương, hay các dự án đường sắt đi Cần Thơ, Vũng Tàu… vì “TP phải có hệ thống đường cửa ngõ như Hà Nội”.
Theo ông, tại Hà Nội gần như các tuyến đường đi các tỉnh đã được đầu tư như: Hà Nội – Hòa Bình; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Ninh Bình, do đó ở TP.HCM cũng phải tập trung làm được hệ thống đường cửa ngõ và đường vành đai để thông thoáng hơn.
“Đây là trung tâm thu hút và lan tỏa thì trước hết phải thông thoáng. Thu hút mà ông chỉ đến được cửa ngõ TP ông lại tắc thì làm sao mà thu hút được, muốn lan tỏa từ đây đi thì cũng đến ngoài rìa TP lại tắc thì còn lan tỏa kiểu gì. Đây là vấn đề rất mấu chốt phải làm” – ông Thăng nhấn mạnh.
Liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, theo ông Thăng thì Bộ GTVT và Sở GTVT TP.HCM cần coi đây là một trọng điểm ùn tắc để xử lý, trong đó ngoài việc mở rộng các tuyến đường xung quanh thì việc nâng cao năng lực quản lý cũng là cốt lõi.
“Tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang làm theo cách rất thụ động, toàn chạy theo. Theo quy hoạch đến 2017 mới đạt 25 triệu, nhưng năm ngoái đã đạt hơn 26, năm nay đã gần 30 triệu mà chúng ta lại đặt mục tiêu 28 triệu. Lúc nào cũng bị ùn tắc, tắc cả trên trời, dưới sân bay, bên ngoài… Cứ kêu trình độ năng lực quản lý bay không được thế đợt vừa rồi có được không? Theo báo cáo lại tôi là 45 chuyến/giờ thế mà cứ khoanh 35 chuyến/giờ để khống chế, phải nâng cao trình độ lên, mạnh dạn rút ngắn thời gian đi” – ông Thăng yêu cầu.
Nếu cần thì chấm dứt cho thuê vỉa hè
Trước đó, đề cập đến chuyện lấn chiếm lòng, lề đường ông Thăng đặt câu hỏi: “Đường xá đã không đủ mà cứ dừng ở lòng đường, vỉa hè thì chắc chắn sẽ ùn tắc. Vậy nên vấn đề này đề nghị HĐND và Sở tài chính báo cáo xem việc cho thuê vỉa hè hiện nay được bao nhiêu tiền?”.
“Người dân đi bộ đi xuống lòng đường thì ông Hùng (ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch chuyên trách UB ATGT quốc gia) ông ấy phạt, nhưng bây giờ toàn bộ vỉa hè dựng xe máy rồi buôn bán thì còn đâu nữa mà người ta đi” – ông Thăng tiếp tục.
Từ đó, ông Thăng đề nghị Chủ tịch UBND TP “chỉ đạo rốt ráo” việc này. “Chúng ta cho thuê được bao nhiêu tiền, nếu không thì chấm dứt hẳn việc cho thuê vỉa hè buôn bán, để xe, chỗ nào cho phép được thì không thu phí. Còn nếu cứ giao khoán thu, khoán chi thì lòng đường, vỉa hè sẽ thành nơi kinh doanh hết” – ông Thăng nhấn mạnh.
Ông Thăng còn yêu cầu tập trung vào các nhà gửi xe bằng thép và cho rằng việc này nên giao doanh nghiệp làm sẽ tốt hơn. Ngoài ra TP cũng phải rà soát lại toàn bộ đất đai, hạ tầng cơ sở để xem chỗ nào thiếu hiệu quả để đưa ra phương hướng khác.
“Có khi vài nghìn mét đất cho thuê một năm thu được vài trăm triệu thì không đáng kể gì cả. Nên thu lại để dành cho làm bến xe và hạ tầng giao thông vì nhu cầu của TP đang rất lớn trong khi quỹ đất còn rất ít” – ông Thăng đề nghị.