Dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã bị chậm ở nhiều hạng mục, theo thông tin từ cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án này của Bộ Giao thông Vận tải chiều nay, 23-2.
Theo Ban Quản lý dự án Hàng hải, hiện nay giai đoạn I của dự án đã thực hiện được 90%. Hiện 7/7 gói thầu xây lắp đang được triển khai, trong đó tuyến đê Nam đã hoàn thành đổ đá đúng cao trình; đã thi công nạo vét tuyến luồng cơ bản đến cao độ thiết kế; hoàn thành thi công kè bảo vệ bờ dọc kênh Tắt đào mới… và đã thông luồng kỹ thuật của dự án vào ngày 20-1-2016.
Tuy nhiên, dự án cũng đang gặp một số vướng mắc. Cụ thể, một số gói thầu như gói thầu 6B tiến độ thảm đá chậm, chỉ đạt 37,4%, dù nhà thầu (Trường Sơn) đã cam kết tăng cường thiết bị để đảm bảo tiến độ; gói thầu 11 về khối lượng nạo vét đang bị chậm khoảng 3 triệu m3… Nguyên nhân, theo Ban Quản lý dự án Hàng hải, là do các hộ dân cản trở thi công vì địa phương chưa giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý dự án Hàng hải, Giai đoạn II của Dự án bao gồm các hạng mục như Kè bảo vệ bờ đoạn kênh Quan Chánh Bố, đường kết nối tỉnh lộ 913 vào quốc lộ 53, hai khu tránh tàu, bến phà 500 tấn, nhà quản lý bảo đảm an toàn hàng hải và hệ thống hàng hải điện tử AIS chưa triển khai.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật đã yêu cầu tỉnh Trà Vinh có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, bàn giao cho nhà thầu thi công theo đúng kế hoạch. Đối với gói thầu chậm tiến độ, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị có liên quan thuộc bộ phải trực tiếp kiểm tra, xử lý những vấn đề tồn đọng.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm quốc gia nên các đơn vị liên quan, nhà thầu cần tập trung cao độ triển khai thực hiện, nhất định phải đưa dự án vào khai thác trước 30-4-2016.
Được biết, dự án có tổng mức đầu tư 9.781 tỉ đồng này sẽ cho phép tàu biển trọng tải 10.000DWT đầy tải và tàu 20.000DWT giảm tải có thể dễ dàng ra – vào các cảng trên sông Hậu; đáp ứng thông qua lượng hàng hóa tổng hợp 21 – 22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000 – 500.000 TEU/năm (cho giai đoạn đến năm 2020).
Ông Đỗ Hồng Thái, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, cho biết dự án bao gồm các hạng mục chính gồm đầu tư, cải tạo tuyến luồng có chiều dài 46,5km; xây dựng đê chắn sóng phía Nam dài 2,4km; kè bảo vệ bờ tại một số đoạn kênh Quan Chánh Bố hiện hữu và dọc hai bên kênh Tắt đào mới với tổng chiều dài 35,94km; các công trình cầu và đường dân sinh, bến phà kênh Tắt, bến sà lan, nhà trạm quản lý, hệ thống báo hiệu hàng hải…
Dự án đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu là dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội thông qua.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, 15 bến cảng tại vùng ĐBSCL hiện nay chỉ mới khai thác từ 20% đến dưới 50% công suất, nhiều bến cảng hoạt động cầm chừng, lượng hàng hóa qua các cảng trọng điểm như Trà Nóc và Cái Cui (Cần Thơ) sụt giảm từ 1,4 triệu tấn năm 2011 xuống còn 773.000 tấn năm 2012. Nguyên nhân chính là do luồng “mắc cạn” và các tàu biển trọng tải lớn không vào được.
Các cảng trên sông Hậu có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL. Thế nhưng tuyến luồng từ Định An dẫn vào cảng Cần Thơ thường xuyên bị bồi cạn nên tàu trọng tải lớn không vào được. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định đầu tư tuyến luồng tàu biển vào hệ thống cảng trên sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố.
Dự án xây dựng luồng cho tàu biển có trọng tải lớn (10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn giảm tải) vào sông Hậu được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn I (2013 – 2015) tập trung thông luồng kỹ thuật bao gồm triển khai thực hiện trước hạng mục đê phía Nam, đoạn luồng biển dùng chung, nạo vét kênh Quan Chánh Bố và luồng sông Hậu; giai đoạn II (2016 – 2017) sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại.
Đá Bàn
Theo Thesaigontimes