Doanh nghiệp tố hãng tàu ép phí CIC

Trong khi đại diện hãng tàu cho rằng ‘chỉ vận chuyển và thu phí theo hợp đồng đã ký kết trước đó’ thì phía doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã ‘tố’ nhiều khoản thu không rõ ràng và phi lý, trong đó có phí CIC.

phí CIC
Nhiều khoản phụ phí “trời ơi” đang làm khổ doanh nghiệp xuất nhập khẩu – Ảnh: Diệp Đức Minh

Chiều 19.2, tại Cảng vụ hàng hải TP.HCM, Cục Hàng hải phối hợp với Vụ Vận tải (Bộ GTVT) và Hiệp hội Dệt may VN (VITAS) tổ chức buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu, đặc biệt ngành dệt may xuất khẩu và đại diện các hãng tàu vận tải nước ngoài về vấn đề phụ thu phí ngoài giá vận chuyển bằng đường biển quá cao và không rõ ràng của các hãng tàu.

Thu cao và tùy tiện

Theo trình bày của bà Phạm Kiều Oanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty may Nhà Bè, gửi Cục Hàng hải, trong hơn 1 năm qua, giá xăng dầu trên thế giới và cả trong nước đều liên tục hạ giá, nhưng chi phí nâng hạ container (cont.) tại tất cả các bến, bãi, cảng, cửa khẩu đều không hề giảm. Thậm chí tại các cảng ICD Phước Long, Tanamexco, ICD Sóng Thần, Deport Grennlog… từ đầu năm nay lại tăng giá khiến các DN bức xúc.

“Việc thu CIC theo thông lệ quốc tế là đúng. Song hiện trạng các hãng tàu đang thu mức thu khác nhau, không thống nhất và có vấn đề thu thêm gây đội giá của các đại lý thu hộ. “Qua thanh tra trước đây của Bộ Tài chính, có đại lý các hãng tàu thu chênh lệch từ 57 đến 65% so với giá quy định của hãng đưa ra ban đầu”, Ông Nguyễn Đình Việt, Cục phó Cục Hàng hải VN.

Điều vô lý mà bà Oanh nhấn mạnh là trong cùng một hệ thống cảng biển, trong một đơn vị dịch vụ là nâng/hạ cont., song giá phí lại chênh nhau rất lớn, đến trên 30%. Chẳng hạn, thu phí cont. đóng hàng tại bãi của cảng Cát Lái chỉ 892.400 đồng nhưng tại cảng ICD, Tanamexco… 1.910.000 đồng, chênh lệch đến 1.017.000 đồng. Tương tự, phí nâng hạ cont. hàng cũng khác nhau thứ tự 469.000 đồng và 590.000 đồng, chênh lệch 121.000 đồng. “Việc tăng giá, thu phí cao và tùy tiện giữa các cảng đồng nghĩa với việc chi phí của DN tiếp tục tăng cao trong tình hình cạnh tranh gay gắt với các quốc gia trong khu vực và đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong công tác điều hành chung”, bà Oanh bức xúc.

Ông Đặng Công Hoàng, đại diện Tổng công ty CP dệt công nghiệp Hà Nội, cũng cho rằng việc các hãng tàu thu phí cân đối cont. (CIC) là hoàn toàn phi lý và tự phát. Có hãng tàu thu 30 USD/cont. 20 ft (cont. loại 20 feet), có hãng lại thu lên đến 160 USD/cont. 20 ft. DN của ông đang bị thu mức cao lên đến 160 USD. Theo công văn Công ty CP dệt công nghiệp Hà Nội gửi VISTA cùng Hiệp hội Bông sợi VN (VCOSA) và các cơ quan quản lý, các hãng tàu SITC, KMTC, Evergreen, Heung-A, Dongjin, Continental… đều thu phí CIC khoảng từ 3,27 – 3,7 triệu đồng/cont. 40 ft, tức khoảng từ 130 – 160 USD/cont. 40 ft (cont. loại 40 feet). Trong khi đó, kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy mức thu thông thường là 40 USD/cont. 40 ft và 30 USD/cont. 20 ft. Nếu qua trung gian dịch vụ thu hộ, trung bình thêm từ 700.000 – 1,2 triệu đồng.

Theo đại diện VISTA, CIC là loại phụ phí cước vận tải biển mà các hãng tàu thu để bù đắp chi phí phát sinh từ việc điều chuyển một lượng lớn vỏ cont. rỗng từ nơi thừa sang nơi thiếu, chỉ được áp dụng vào mùa cao điểm. Tuy nhiên, các hãng vận tải lại thu quanh năm. Quan điểm của VISTA cho rằng phí CIC là khoản vô lý nhất, song nó đang chiếm phần thu không nhỏ trong các khoản phí của DN. Hiện chi phí logistic chiếm 60% tổng chi phí xuất nhập khẩu của DN.

Bà Phùng Thị Thúy Kiều, đại diện Công ty Scavi (Đồng Nai) đề nghị buộc các hãng tàu có một mức thu CIC thống nhất, phải công bố rõ ràng, có thay đổi phải thông báo trước từ 6 đến 9 tháng bởi các đơn hàng của DN thường phải ký kết trước ít nhất là nửa năm.

Hãng tàu “ăn” 2 đầu

Trước bức xúc của DN, đại diện đại lý Hãng tàu SITC cho rằng, khoản thu phí CIC thì quốc gia nào cũng thu. Quan trọng là khi đàm phán hợp đồng mua bán giao nhận với khách hàng, phía DN thỏa thuận khoản CIC đó ai trả, bởi hãng tàu chỉ vận chuyển và thu phí theo hợp đồng đã ký kết trước đó của DN xuất nhập khẩu hai bên.

Ông Bùi Việt Anh, đại diện Hãng tàu Cosco, nói: “DN Việt thường mua bán theo giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập), việc chọn hãng tàu nào, mức phí ra sao đều do phía nước ngoài chỉ định. DN Việt không có quyền chọn hãng tàu nào cả. Nên khi vào VN, phí nội địa thì DN trong nước phải chịu. DN cần coi rõ quy định trong hợp đồng thế nào, ai trả khoản phí đó. Theo tôi, DN nên tìm hiểu giá gốc của các hãng tàu rồi từ đó có mức giá để biết khi đàm phán dễ dàng hơn”.

Phản bác cách trả lời này, nhiều DN cho rằng, phí CIC thường các nước chỉ thu một đầu khoảng 100 đến 130 USD, không có thu hai đầu như các hãng tàu đang thực hiện tại VN. Thứ nữa, khi hãng tàu đã ký kết với DN ở nước ngoài, đã thu hết các cước vận chuyển, sao “để dành” khoản phí này lại? Việc không công bố mức phí rõ ràng từ đầu của các hãng tàu đã gây khó cho DN.

Ông Nguyễn Đình Việt, Cục phó Cục Hàng hải VN, nhận định: Việc thu CIC theo thông lệ quốc tế là đúng. Song hiện trạng các hãng tàu đang thu mức thu khác nhau, không thống nhất và có vấn đề thu thêm gây đội giá của các đại lý thu hộ. “Qua thanh tra trước đây của Bộ Tài chính, có đại lý các hãng tàu thu chênh lệch từ 57 đến 65% so với giá quy định của hãng đưa ra ban đầu”, ông Việt thông tin (tuy nhiên, theo ông Đặng Công Hoàng, với mức phí CIC mà DN đang chịu, phải cao gấp 4 – 5 lần quy định).

Về phía cơ quan quản lý, ông Việt cho biết, Cục Hàng hải sẽ đôn đốc việc ra nghị định quy định các chủ tàu phải công bố công khai giá cước, thay đổi và thời gian thay đổi thế nào… trong thời gian sớm nhất.

Nguyên Nga – Đình Mười

Thanh niên