Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện có khoảng 4.000 lái xe tham gia mạng lưới Uber, trung bình mỗi ngày chuyển lợi nhuận 1 tỷ đồng về Hà Lan. Song, Cục Thuế TP.HCM đến thời điểm này vẫn chưa thu được đồng thuế nào của Uber vì mọi hoạt động ký kết, thu tiền đều do công ty mẹ ở Hà Lan đứng ra đảm nhiệm. Công ty Uber ở Việt Nam chỉ giúp thúc đẩy thị trường.
Từ e dè đến hợp pháp hóa
Đầu tháng 1-2016, Bộ GTVT đã chính thức phê duyệt Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Đề án sẽ được thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh trong vòng 2 năm, từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2018. Bộ GTVT cho biết, tham gia thí điểm có Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) và các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối xe hợp đồng khác phải tùy vào tính chất, đặc điểm cụ thể để có đề án riêng.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đánh giá, Đề án thí điểm của Bộ GTVT đề cao lợi ích người tiêu dùng, lấy người tiêu dùng làm trung tâm.“Đề án này sẽ giúp thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường vận tải hành khách; mang lại sự lựa chọn đa dạng cho người tiêu dùng. Cạnh tranh luôn là động lực tốt nhất để thúc đẩy việc giảm giá”, ông Vương Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Ngày 28-1 vừa qua, Grab đã nâng cấp ứng dụng đặt xe trên điện thoại thông minh, cung cấp thêm nhiều tính năng mới, khắc phục những nhược điểm trước đây. Ví dụ như, tính năng “Flash” bắt buộc lái xe tham gia hệ thống Grab phải đón khách, ngay cả những chuyến đi ngắn vào giờ cao điểm. Cùng đó, Grab đang tính toán mở văn phòng đại diện tại Mỹ và thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin để tiếp tục cải thiện phần mềm đặt xe.
Sẽ vượt mặt taxi truyền thống?
Tốc độ phát triển của Grab ở Việt Nam đang tăng nhanh. Trung bình mỗi tháng, số lượng người sử dụng dịch vụ Grabcar tăng 35%. Ông Nguyễn Trọng Đan, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến dịch vụ, quản lý chặt chẽ việc hợp tác với các hãng taxi trong nước và xe hợp đồng, tăng cường huấn luyện lái xe… để Grab không chỉ hợp pháp mà còn thực sự là một dịch vụ đáng tin cậy”.
Còn với Uber, mặc dù Đề án ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải của đơn vị này đã bị Bộ GTVT trả về vào tháng 10-2015 nhưng đến nay, Uber vẫn chưa có động thái gì mới. Tuy nhiên, mọi hoạt động kinh doanh, kết nối từ hành khách đến lái xe tham gia hệ thống Uber vẫn diễn ra bình thường trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong bối cảnh hoạt động vận tải khách bằng taxi ngày càng cạnh tranh khốc liệt thì việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính tiện ích cho người tiêu dùng rõ ràng là một lợi thế. Ông Nguyễn Văn Dần, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa thông tin, tỉnh này hiện có 3.000 xe khách, 1.000 taxi và 8.000 xe tải trong khi cán bộ quản lý vận tải chỉ có 2 người.
Vì thế, nếu không ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực vận tải thì rất khó quản lý. Dự báo, trong thời gian tới, sẽ còn thêm nhiều ứng dụng như Uber, Grab “nhảy vào” lĩnh vực vận tải vì sau quá trình thí điểm, Bộ GTVT có thể sẽ hợp pháp hóa loại hình này.
Taxi online đang được “thả”?
Việc tạo một hành lang pháp lý để taxi online hoạt động là cần thiết trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển rầm rộ và len lỏi trong từng lĩnh vực của cuộc sống. Hơn nữa, với tiến bộ công nghệ thông tin như hiện nay, nếu không có hành lang pháp lý để tạo công bằng với taxi truyền thống, tạo công cụ bảo vệ người tiêu dùng rất có thể sẽ gây ra những hệ lụy khó lường.
Thực tại cho thấy, kể từ khi xuất hiện ở Việt Nam dịch vụ đặt xe thông qua phần mềm Uber ngày càng phát triển mạnh. Mặc dù Bộ GTVT đã trả lại Đề án ứng dụng công nghệ hỗ trợ vận tải của đơn vị này, nhưng đến nay, các ngành chức năng vẫn khó lòng quản lý, nếu như không muốn nói, số lượng xe tham gia vào mạng lưới Uber ngày càng được mở rộng hơn.
Thực tế đến nay doanh nghiệp Uber tại Hà Lan vẫn không đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi tại Việt Nam, trong khi đó, doanh nghiệp Uber tại Việt Nam chỉ đăng ký marketing tiếp thị cho Uber. Các Sở, ngành tại TP. HCM đã đặt nhiều vấn đề chung quanh hoạt động Uber chưa đúng pháp luật Việt Nam và đang góp ý để Sở GTVT TP. HCM báo cáo UBND TP.HCM về hoạt động của Uber.
Mặc dù Công ty Uber Việt Nam đăng ký kinh doanh tại TP. HCM nhưng đến thời điểm hiện tại, Cục thuế TP.HCM cho biết, Uber chưa kê khai thuế về hoạt động taxi tại TP.HCM. Đáng nói, toàn bộ số tiền mà Uber thu 20% từ các lái xe ở Việt Nam đều được chuyển thẳng về công ty mẹ ở Hà Lan, do đó, các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng khó lòng kiểm soát.
Đại diện Uber ở Việt Nam luôn khẳng định, Uber chỉ đăng ký kinh doanh công nghệ mà không kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Hiệp hội Taxi TP. HCM và Hà Nội đều khẳng định, Uber đã lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh vận tải. Thực tế với mỗi “cuốc” đặt xe của hành khách, Uber thông qua phần mềm trực tiếp điều động xe, trực tiếp thu tiền của hành khách thông qua thẻ Visa, thậm chí cước xe, cước di chuyển cũng được Uber định giá.
Liên quan đến thông tin Uber mỗi ngày chuyển 1 tỷ đồng lợi nhuận về Hà Lan, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Uber tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi không thể xác thực độ chính xác của những thông tin được chia sẻ bởi các bên thứ ba. Tuy nhiên, Uber luôn tuân thủ các quy định về thuế và chi trả đầy đủ các khoản thuế tại mọi thị trường mà Uber có mặt”.
Hành khách cũng chịu thiệt
Không những khó thu thuế từ hoạt động của Uber tại Việt Nam mà việc thiếu hành lang pháp lý cũng khiến người tiêu dùng nhiều khi bị thiệt. Đầu tháng 1-2016, một nữ hành khách trú tại Hà Nội đã hoảng hốt khi phát hiện, số điện thoại cá nhân của mình bị đưa lên một trang web khiêu dâm. Sau khi tìm hiểu, nữ hành khách này đã phát hiện, nguyên do vài ngày trước đó, chị sử dụng dịch vụ xe Uber đi từ phố Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đến Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội), trong quá trình lái xe, tài xế liên tục sử dụng điện thoại để chat, thậm chí còn có những lời nói khiếm nhã với hành khách.
Sau chuyến đi này, chị đã đánh giá tài xế 1 sao. Quá trình tìm hiểu, tài xế đã thừa nhận, “bực bội” vì bị đánh giá 1 sao nên đã đưa số điện thoại của nữ hành khách này lên web khiêu dâm cho “bõ tức”. Sự việc sau đó cũng được Uber xử lý nội bộ với phía hành khách. Tài xế Uber đó cũng đã bị buộc thôi việc. Đây chỉ là một tình huống xảy ra trong hàng nghìn các tình huống khác nhau có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người dùng dịch vụ Uber.
Trong khi, đối với taxi truyền thống, bắt buộc phải do 1 doanh nghiệp tại Việt Nam quản lý, có trụ sở, có địa chỉ và số điện thoại để cơ quan chức năng, hành khách khi cần có thể liên lạc giải quyết vụ việc phát sinh. Bên cạnh đó, so với taxi công nghệ thì taxi truyền thống chịu nhiều chế tài hơn, dù về mặt thực chất, hai loại hình này tương đồng.
Cụ thể như, taxi truyền thống phải có “mào”, niêm yết giá cước, có đồng hồ tính cước được cơ quan chức năng kẹp chì, có biển hiệu thể hiện hãng taxi… Ngoài ra, từ năm 2016, taxi truyền thống sẽ phải đăng kiểm 6 tháng một lần, theo đó, chi phí, thời gian sẽ tốn kém hơn. Trong khi đó, taxi công nghệ không chịu những chế tài ràng buộc này.
Ngân Tuyền
Theo An Ninh Thủ Đô