Theo thống kê của Hiệp hội Logistics, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP/năm, cao hơn rất nhiều so với nhiều nước phát triển như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Thái Lan. Khi TPP chính thức được thực thi với hàng nghìn dòng thuế về 0% hứa hẹn sự phát triển sôi động của hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam và đây được các chuyên gia kinh tế đánh giá chính là cơ hội lớn cho ngành logistics ”bùng nổ”.
Nhiều tiềm năng tăng trưởng
Trong giai đoạn đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành logistics nước ta được đánh giá có nhiều ưu thế để phát triển mạnh mẽ. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng mạnh về sản xuất và xuất khẩu trong nước cùng với vị trí địa lý đường bộ trải dài trên trục Bắc – Nam đã và sẽ tạo ra nhu cầu lớn về vận chuyển hàng hóa đường dài.
Bên cạnh đó, quy hoạch các cơ cấu của thị trường vận tải hàng không vào năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt cho thấy tiềm năng phát triển và vai trò ngày càng tăng của thị trường vận tải hàng hóa, đặc biệt là tại các khu kinh tế trọng điểm, vùng xa. Các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh vào lĩnh vực sản xuất trong nước sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các dịch vụ vận tải và logistics quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam.
Những lợi thế này đi cùng với những cơ hội từ việc nước ta trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN tạo ra cơ hội mở rộng thị trường và tiếp cận nhiều hơn vốn nước ngoài, tạo động lực cạnh tranh mạnh mẽ cho các doanh nghiệp logistics trong nước trong bối cảnh tăng cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Thêm vào đó, còn có cơ hội giúp cải thiện lực lượng xe tải được sử dụng bởi các công ty vận tải đường bộ từ việc bắt đầu sản xuất xe thương mại địa phương. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng giao thông đã có những bước cải thiện đáng kể, các công ty công nghệ cao đang chuyển nhà máy sản xuất vào các khu công nghiệp trong nước, làm tăng nhu cầu, năng lực vận chuyển, đặc biệt là vận tải hàng không.
Chưa hình thành chuỗi logistics toàn diện
Mặc dù có nhiều tiềm năng tăng trưởng như vậy, nhưng theo TS. Trần Thăng Long – chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân, ngành logistics nước ta đang bộc lộ nhiều hạn chế cần khẩn trương khắc phục khi thời điểm thực thi TPP ngày càng đến gần. Mạng lưới đường bộ tuy đã được cải thiện song chất lượng còn hạn chế; chỉ có 13,5% của mạng lưới được coi là ở trong tình trạng tốt, 26% có hai hay nhiều làn đường và chỉ có 29% được trải nhựa đường. Đầu tư thấp cho vận tải đường sắt còn thấp so với tiềm năng, làm cho chi phí vận tải hàng hóa qua đường này còn rất cao và hiệu quả sử dụng thấp.
Tuy vận tải hàng không đang là hình thức tăng trưởng nhanh nhất tại các nước phát triển, song nước ta lại chưa tích cực thiết lập một chuỗi logistics toàn diện để tận dụng lợi thế của sự tăng trưởng này và vẫn còn thiếu lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của ngành vận tải hàng hóa trong nước. Suy thoái kinh tế của các quốc gia đối tác xuất khẩu chính cũng sẽ tác động mạnh đến ngành logistics nước ta.
Ngoài ra, các công ty logistics trong nước phần lớn chỉ hoạt động trong một phân khúc nhỏ của ngành như dịch vụ giao nhận hàng hóa, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ… Đa phần các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô nhỏ, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất như kho tàng, bến bãi, công nghệ thông tin, phương tiện vận chuyển. Bức tranh thị phần đã phản ánh trung thực, cân đối với năng lực và vốn đầu tư của các doanh nghiệp nội địa. Hơn nữa, do đang còn nhận được sự bảo hộ nên các doanh nghiệp trong nước chiếm phần lớn các tuyến vận tải thủy bộ nội địa.
Song về vận tải quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia các tuyến ngắn và trong khu vực lân cận và chưa đủ khả năng mở rộng như các tập đoàn logistics quốc tế nên hầu hết chỉ làm đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 cho các công ty toàn cầu. Trong khi đó, doanh nghiệp logistics trong nước vẫn chưa thực sự tìm được tiếng nói chung, do chủ yếu là doanh nghiệp FDI hoặc công ty gia công, nên khâu giao nhận thường giao cho các công ty quốc tế triển khai.
Cần cơ chế điều phối logistics quốc gia
Để có thể đón đầu cơ hội từ TPP, các doanh nghiệp logistics cần nắm vững và tận dụng lộ trình thực hiện TPP. Mặt khác, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tăng trưởng khi và chỉ khi cơ sở hạ tầng vận tải tiếp tục được hoàn thiện và thay đổi đáp ứng tính cạnh tranh toàn cầu và đẩy mạnh kết nối vận tải với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển ngành logistics.
Phát triển dịch vụ logistics cũng liên quan đến sự hợp tác của Chính phủ và các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Nhà nước cần xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn hóa quy trình dịch vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực logistics. Đồng thời, cần có biện pháp hướng dẫn, thúc đẩy các doanh nghiệp logistics nội địa liên kết hình thành các công ty có năng lực đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài trong TPP.
Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, điều cần làm ngay là các nhà cung cấp dịch vụ logistics cần thay đổi tư duy cung cấp dịch vụ từ quan điểm chỉ đơn thuần vận tải sang cung cấp toàn bộ chuỗi cung ứng. Trong đó bao gồm tư vấn thiết kế và dịch vụ logistics, quản lý hoạt động của chuỗi cung ứng như cung cấp dịch vụ logistics chính, các trách nhiệm mua sắm hoặc quản lý kho. Bởi đây là trung tâm phát triển cung cấp dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng và cung cấp logistics trọn gói bên thứ 3 (3PL).
Điểm mấu chốt nữa trong triển khai vận tải là các doanh nghiệp cần xây dựng được các cảng thông quan nội địa và tiến tới phát triển mô hình trung tâm phân phối (DC) – bước phát triển tiên tiến trong triển khai dịch vụ kho bãi, bởi các tập đoàn nước ngoài đều có nhu cầu sử dụng do mô hình này cho phép truy xuất thông tin, hàng hóa.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp logistics đang hoạt động, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, các công ty điều phối logistics nước ngoài chỉ có khoảng 25 doanh nghiệp hoạt động nhưng lại chiếm 80% thị phần. Hơn 1.200 doanh nghiệp logistics nội địa của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 25% thị phần.
____________________
Theo TS Trần Thăng Long – chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân, khi chính thức thực thi TPP, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam chính là nguồn nhân lực bị thiếu hụt, chưa qua đào tạo nên mức độ chuyên nghiệp còn kém. Bên cạnh đó, lực cản lớn của ngành logistics trong nước chính là công nghệ thông tin còn kém và lúng túng, kể cả bên cung cấp và người sử dụng dịch vụ.
Theo daibieunhandan.vn