ICD – Cảng cạn – Bước đột phá trong lĩnh vực logistics của QBS

Vốn chủ yếu đầu tư vào cảng cạn (ICD) nhằm hỗ trợ cho hoạt động chính là kinh doanh phân bón, hóa chất nhưng kế hoạch xây dựng cảng cạn 26ha tại Hải Phòng lại cho thấy tham vọng lớn hơn của QBS trong lĩnh vực giao nhận – vận tải – kho bãi.

ICD

Cơ hội đón đầu sự phát triển cơ sở hạ tầng

Trong một báo cáo mới đây, CBRE đánh giá Hải Phòng, cửa ngõ kết nối Việt Nam với thế giới, sẽ trở thành một trung tâm logistics quốc gia trong tương lai gần và mang tầm khu vực trong dài hạn sau khi giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính.

Đầu tư xây dựng hạ tầng được Hải Phòng triển khai trong nhiều năm nay và sẽ mang đến làn gió mới cho thành phố cảng trong vài năm tới. Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được thông xe từ tháng 10/2015. Cầu Bạch Đằng nối Hải Phòng với Quảng Ninh đang được thi công và dự kiến hoàn tất vào quý I/2017 sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Hà Nội với Quảng Ninh.

Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, cây cầu vượt biển có chiều dài kỷ lục 15km, cũng dự kiến sẽ được xây dựng xong trong năm 2017 sẽ nối trung tâm Hải Phòng tới Cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện, cảng này cũng sẽ được gấp rút hoàn thiện trong năm 2018.

Khu công nghiệp Đình Vũ có vị trí cận kế cả hai cây cầu và gần nhiều cảng biển của Hải Phòng như biển Đình Vũ, Tân Cảng, Nam Hải Đình Vũ… Bên cạnh đó, KCN này thông thương trực tiếp với tuyến đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc), cách sân bay Cát Bi 3 km. Vì vậy, đây đang trở thành một KCN có lợi thế, tiềm năng vào bậc nhất cả nước. KCN Đình Vũ hiện có 55 dự án đa quốc gia đang hoạt động, thu hút gần 30% vốn FDI của thành phố Hải Phòng và là điểm trung chuyển hàng hóa giữa các doanh nghiệp XNK và cảng biển.

Theo thống kê của CBRE, từ năm 2008 đến năm 2014, lưu lượng trung chuyển hàng hóa thường niên qua miền Bắc Việt Nam đã tăng 88% với Hải Phòng là đơn vị đi đầu.

Tuy nhiên, việc ùn tắc cũng thường xuyên xảy ra trong và ngoài cảng do sự gia tăng đột biến của sản lượng hàng hóa thông quan. Chiến lược đầu tư một địa điểm thông quan nội địa (Inland Clearance Depot – ICD) – điểm trung chuyển hàng hóa giữa các doanh nghiệp XNK và cảng biển sẽ là một cách giải quyết tối ưu cho vấn đề này.

Bước ngoặt mới trong kinh doanh logistics

CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã QBS-HoSE) mới đây cho biết, công ty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án ICD Quảng Bình – Đình Vũ. Đây là Dự án đầu tư cảng cạn nằm tại Lô CN4. 4F và CN4.4G Khu công nghiệp Đình Vũ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ– Cát Hải, Hải Phòng.

Đây không phải là lần đầu tiên QBS đầu tư vào logistics. Từ năm 2013, QBS bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực kho bãi với việc đưa vào khai thác kho ngoại quan tại Quán Toan, Hải Phòng với diện tích 2 hecta (tính đến nay) và sau đó tiếp tục xây dựng địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa XNK rộng 4,38 ha tại khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, Cao Bằng; Kho ngoại quan rộng 8,138.8m2 tại lô F19, Khu Công Nghiệp Đông Phố Mới, Thành Phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; bãi trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên và bãi thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu A Pa Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Tuy nhiên, về quy mô lẫn lẫn tổng vốn đầu tư, Dự án ICD Quảng Bình – Đình Vũ đều vượt trội so với các công trình khác mà QBS đã đầu tư để phục vụ hoạt động Logistics.

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư dự án giai đoạn đầu là 409,75 tỷ đồng và sẽ được tiếp tục mở rộng theo các giai đoạn từ nay đến năm 2020 nâng tổng mức đầu tư của dự án lên tới 1,100 tỷ đồng. Dự án sẽ được khai thác trong 50 năm. Đây sẽ là khoản đầu tư có quy mô không nhỏ đối với một doanh nghiệp vốn điều lệ hiện tại là 640 tỷ đồng.

Việc đầu tư vào logistics để QBS chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chính. Thay vì thuê ngoài, QBS tự vận chuyển, lưu kho hàng hóa, qua đó giảm chi phí kho bãi và tiến một bước dài, tiên phong trong lĩnh vực khai thác ICD trên địa bàn Hải Phòng, hoàn thiện một hệ thống các cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng phục vụ một cách toàn diện cho hoạt động logistics, làm công tác hậu cần cho một hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc, thu lợi nhuận cung cấp dịch vụ kho bãi và các dịch vụ giá trị gia tăng khác: bốc xếp, vận chuyển, khai thuê hải quan, …

Với quyết định đầu tư có tính bước ngoặt vào ICD Quảng Bình – Đình Vũ, QBS có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở việc tự phục vụ hoạt động kinh doanh của mình mà còn mở rộng cho các doanh nghiệp bên ngoài.

Dự kiến, Dự án tư ICD Quảng Bình – Đình Vũ sẽ khởi công vào quý I/2016, dự kiến hoàn thành xây dựng cơ bản vào quý III và vận hành thương mại từ quý IV/2016. Sau khi đi vào hoạt động trong giai đoạn 1, dự án cảng ICD này dự tính có công suất kho 10.000 tấn và sản lượng 100.000 tấn/năm.

Bãi chứa container có khả năng chứa 20.000 TEU mỗi tháng. Dự án sẽ tiếp tục được mở rộng về quy mô và công suất theo lộ trình trong các giai đoạn tiếp theo (mở rộng thêm 9ha và 8ha trong giai đoạn 2 và 3).

Theo thống kê của FPTS, khu vực miền Bắc có 5 cảng ICD trọng điểm là ICD Hải Dương, ICD Tiên Sơn (Bắc Ninh), ICD Thụy Vân (Việt Trì, Phú Thọ), ICD Mỹ Đình (Hà Nội), ICD Lào Cai. So với các cảng này, ICD Quảng Bình – Đình Vũ sau khi hoàn thiện đầu tư xây dựng sẽ là cảng có diện tích lớn nhất và vị trị đắc địa hơn hẳn.

Với việc Hải Phòng cơ bản hoàn tất phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2017, dự án ICD Quảng Bình – Đình Vũ dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2016 sẽ kịp thời đón đầu sự phát triển của logitics của thành phố cảng Hải Phòng, hiên ngang và sẵn sàng cạnh tranh với các công ty Logistics của nước ngoài đang ồ ạt xâm nhập thị trường mới mẻ đày tiềm năng này.

PV

Theo ĐTCK